Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có tiêu đề: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Có thể hình dung tư tưởng chính trị của Đại hội XII phản ánh qua các chủ trương lớn để đạt mục tiêu "sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". 5 chủ trương bao trùm mang tính chiến lược của Đảng là:
- Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa.
- Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
- Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
- Xây dựng nền tảng một nước công nghiệp.
Trong 5 chủ trương trên thì "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh" là cốt lõi, là nền tảng quyết định sự thành công của các chủ trương còn lại. Bước vào thời kỳ chuẩn bị nền tảng cho một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", một vấn đề đã được đề cập và vẫn đang là một trong những chủ trương quan trọng của Đại hội XII, được xác định đầu tiên trong tiêu đề Dự thảo Báo cáo chính trị. Bởi lẽ, trên chặng đường đổi mới, "một bộ phận không nhỏ" đảng viên của Đảng đã biến chất, thoái hóa; làm cho sức mạnh của Đảng bị giảm sút; làm cho niềm tin nơi dân bị giảm sút.
Mặt khác, giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội được tiến hành trong điều kiện vừa nghiên cứu, vừa thực hiện và vừa điều chỉnh cho phù hợp với quy luật phát triển. Chính vì thế, sự tồn vong của chế độ, sức mạnh nội lực quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và muốn vững mạnh, trước hết phải trong sạch.
Đảng ta là một tổ chức chính trị của những người cộng sản Việt Nam, trong đấu tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc, nhiều đảng viên trung kiên đã hy sinh cuộc đời mình cho mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính họ là nguồn sức mạnh cuốn hút hàng triệu quần chúng đi theo Đảng và tấm gương tự trọng, trung thực của họ đã làm nên "Đảng là đạo đức, là văn minh". Một Đảng có những đảng viên như thế, Đảng đó phải trong sạch, Đảng đó sẽ quy tụ được trí tuệ xã hội để làm nên sức mạnh, Đảng đó phải được dân tin, dân theo, dân ủng hộ.
Trong ba mươi năm đổi mới, những thành tựu về mọi mặt của đất nước không tách rời năng lực cầm quyền của Đảng trong xu thế phát triển của thời đại. Điều đó phản ánh qua nội lực quốc gia, qua thế và lực của đất nước trên trường quốc tế hôm nay. Tôi thiển nghĩ rằng, đất nước sẽ mạnh hơn, nhân dân sẽ giàu hơn, thế và lực của đất nước sẽ tăng nếu như không có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...; nếu như tội phạm và tệ nạn xã hội không còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội không bị tổn thương; nếu như dân chủ được thực hành trên thực tế từ trong Đảng ra ngoài xã hội một cách thường xuyên, chân thành; nếu như kỷ cương, phép nước được giữ nghiêm...
Thực trạng hạn chế, yếu kém đã được Dự thảo Báo cáo chính trị nêu ra, chắc chắn gắn liền với trước hết là trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Dự thảo đã thẳng thắn chỉ ra để nghiêm túc tìm giải pháp khắc phục và phải khắc phục bằng được. Bởi lẽ, thực trạng ấy đang là trở lực ngăn cản sự phát triển, một trở lực tồn tại ngay trong lòng hệ thống Đảng. Cho nên, để khắc phục nguyên nhân của mọi nguyên nhân này, Đảng ta tiếp tục chủ trương "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh". Đây là chủ trương lớn của Đại hội XII.
Vị trí của chủ trương hết sức quan trọng, nhưng đây không phải lần đầu được nhắc đến mà 46 năm trước đã được Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh di huấn: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (Di chúc). Thuật ngữ "xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh" khá phổ biến trong các văn kiện của cấp bộ Đảng các cấp trong mấy thập kỷ nay. Song không phải hôm nay cần khám phá nội hàm mới trong khái niệm này, mà cần xác định rõ ràng, cụ thể về việc làm thế nào để Đảng ta trong sạch và vững mạnh.
Theo thiển nghĩ của tôi, để tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết, mọi đảng viên phải biết tự trọng, tự giác, gương mẫu, trong sáng, dám dấn thân, biết cống hiến, hy sinh vì việc chung, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trước khi nói đến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong chiến tranh cách mạng, đa số đảng viên làm được thế, nhưng hôm nay, trong thời bình, không ít đảng viên lại gục ngã bởi “viên đạn” lợi ích, với chất công phá là lòng tham; một bộ phận không nhỏ đảng viên của Đảng bị vật chất cám dỗ dẫn đến thoái hóa, biến chất. Tổ chức Đảng mạnh phải có đảng viên có đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ. Đó là những tố chất tạo nên bản chất văn hóa của tổ chức Đảng. Song, văn hóa này do từng đảng viên, từng tổ chức Đảng góp sức, góp trí mà thành. Vũ khí vạn năng là "Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" (Di chúc). Trong Đảng không đoàn kết, Đảng không có sức mạnh. Đánh giá tình hình, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Vì sao thế? Phải chăng, trong tổ chức Đảng chưa thực hành dân chủ rộng khắp, chưa nghiêm chỉnh tự phê và phê bình nên chưa ngăn chặn, đẩy lùi được những thoái hóa biến chất? Nơi nào có đảng viên thoái hóa, nơi đó bản lĩnh và sức chiến đấu của đảng viên yếu kém. Hiện tượng mũ ni che tai, dĩ hòa vi quý trong sinh hoạt Đảng, xét đến cùng là mầm mống làm suy yếu Đảng, hay nói khác đi là góp phần tự diễn biến một cách êm dịu.
Chừng nào còn có biểu hiện tư duy theo nhiệm kỳ, tư duy lợi ích nhóm, chừng nào đảng viên thoái hóa chưa vượt qua được sự cám dỗ vật chất, lòng tham vẫn ngự trị trong tư tưởng, tình cảm của họ, chừng ấy họ còn làm cho Đảng không trong sạch, sức mạnh cầm quyền của Đảng bị giảm sút. Trong sinh hoạt Đảng, đã đến lúc kỷ luật Đảng phải là kỷ luật sắt song hành cùng pháp luật nghiêm minh.
Sự trong sạch là tố chất để Đảng tập hợp trí tuệ. Trí tuệ và bản lĩnh của Đảng biểu hiện qua tính kỷ luật của nguyên tắc dân chủ, tập trung và qua việc khởi xướng, hoạch định những chủ trương, đường lối gắn với cuộc sống và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Nếu không giữ vững kỷ luật Đảng, nếu không có bản lĩnh đấu tranh loại trừ những hiện tượng làm suy yếu Đảng, thì những biểu hiện như: Nói không đi đôi với làm; nói hay làm dở; làm việc tùy tiện, vô nguyên tắc trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng, nhất là công tác cán bộ vẫn tồn tại, dẫn đến mất lòng tin nơi dân, gây tổn hại cho chế độ, làm nghèo đất nước; tình trạng thu vén lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, họ hàng, lợi ích nhóm không thể đẩy lùi; nếu không có nghị quyết sát thực tế và đi vào cuộc sống thì 5 năm sau, chúng ta lại phải nhắc đến những hạn chế, yếu kém hiện đang tồn tại. Vì thế, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong 5 năm tới phải được nhận thức như một vấn đề cấp thiết. Hy vọng các nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đi vào cuộc sống. Nhất là 2 nhiệm vụ đầu tiên đã được tập trung cao độ bản lĩnh, trí tuệ, tổ chức để thực hiện:
1. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Hai nhiệm vụ này nếu không được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả với quyết tâm cao, có kiểm tra, giám sát thì nội dung nhiệm vụ nêu trên chỉ là khẩu hiệu. Công tác xây dựng đội ngũ ngay từ đầu khóa XI cũng đã được đề cập, nhưng triển khai không phải không có điều tiếng khi không bám sát tiêu chí "đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đảng cần bản lĩnh ngăn chặn, loại bỏ mầm mống "con vua thì lại làm vua", nếu không tài cán hơn người. Đây là lợi ích gia đình, họ hàng, đây là tham nhũng quyền lực, mà tham nhũng quyền lực là tham nhũng gây thiệt hại lớn nhất cho đất nước, nhân dân sao không thấy. Phải bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng trước nhân dân!
Về đổi mới bộ máy toàn bộ hệ thống chính trị đã được đề cập nhiều trong nhiều năm qua. Thực trạng hiện tại của hệ thống là cồng kềnh, nhân lực từ Trung ương tới cơ sở cấp xã rất lớn, nhiệm vụ có chỗ trùng lặp, khâu lãnh đạo không gắn sâu với thực tiễn; lãng phí nguồn nhân lực, không giải phóng được nguồn nhân lực cho sản xuất, dịch vụ; chi phí ngân sách quá lớn. Đây là bài toán lớn, khi giải sao cho có đáp số "tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" như nhiệm vụ thứ hai đã chỉ ra. Đó là trách nhiệm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ khóa XII.
Hai nhiệm vụ nêu trên là then chốt mang tính quyết định đến sự thành công của những nhiệm vụ còn lại.
Những kỳ tích nhân dân ta đã làm nên dưới sự lãnh đạo của Đảng là to lớn và vĩ đại, nhưng để xứng đáng hơn nữa với máu xương của biết bao đồng bào, chiến sĩ, Đại hội lần thứ XII của Đảng cần phải tạo tiền đề vững chắc để đưa chủ trương "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh" trở thành hiện thực trong cuộc sống. Đặc biệt, Đại hội có những quyết sách sao cho những yếu kém trầm trọng thuộc về con người trong Đảng sẽ không còn trong báo cáo đánh giá tình hình dịp Đại hội lần thứ XIII.
Chỉ có trong sạch, vững mạnh, Đảng ta mới đủ nội lực, đủ uy tín để phát huy sức mạnh toàn dân tộc; trên nền sức mạnh ấy kết hợp với sức mạnh thời đại mới đủ khả năng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; khi đó, mới nâng cao thế và lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Nếu không, sẽ không có đầy đủ tiền đề, điều kiện để sớm đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thông qua tiếp cận nội dung trên, hy vọng và tin tưởng Đại hội lần thứ XII của Đảng thực hiện hiệu quả quan điểm: Bám sát thực tiễn để xây dựng Nghị quyết Đại hội XII sát với thực tiễn đất nước, để Nghị quyết Đại hội và cuộc sống được song hành như hình với bóng.