Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là phù hợp

15:15, 10/09/2015

Một trong những nội dung mới và quan trọng của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra lần này là bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và vấn đề này đang được nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đồng tình. Bởi trong thực tế, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, như: Gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi rộng; buôn lậu; trốn thuế; sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Những hành vi vi phạm pháp luật này hiện mới có chế tài xử lý vi phạm hành chính và có quy định trong pháp luật dân sự, kinh tế để tổ chức, cá nhân khi bị thiệt hại được khởi kiện đòi bồi thường. Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi nêu trên của pháp nhân còn bất cập, chưa đủ sức rắn đe nên dẫn tới pháp dân vi phạm, tái phạm khá phổ biến. Ông Nguyễn Xuân Cúc, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho rằng: Mức xử phạt tối đa quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính với pháp nhân không vượt quá 2 tỷ đồng nên có tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm vì mục tiêu lợi nhuận hoặc tiến độ sản xuất… Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới sự coi thường pháp luật; thiếu tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, bất công bằng giữa pháp nhân và cá nhân. Cùng quan điểm về vấn đề này, Anh hùng Lao động Nguyễn Khánh Quắc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết thêm: Khi pháp nhân gây ô nhiễm môi trường, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại, ảnh hượng trực tiếp tới sản xuất, sinh hoạt của người dân thì người dân có quyền khởi kiện để đòi bồi thường. Pháp luật dân sự quy định như vậy nhưng qua một số vụ việc cụ thể, tôi thấy việc người dân khởi kiện những tập đoàn, công ty lớn để bảo vệ quyền lợi chính đáng rất khó khăn vì phải xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mức độ thiệt hại và phải nộp trước một khoản án phí. Phức tạp như vậy nên khi bị hành vi vi phạm của pháp nhân gây thiệt hại, rất ít người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Từ những lý do trên, tôi đề nghị pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự như cá nhân khi vi phạm pháp luật.

 

Về tính phổ cập của việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, có nhiều ý kiến cho rằng trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đã có trên 100 quốc gia quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Do đó, nêu pháp luật của nước ta không bổ sung nội dung này sẽ dẫn tới hai vấn đề: Pháp nhân của Việt Nam vi phạm ở trong nước chỉ bị xử lý hành chính nhưng vẫn hành vi đó ở nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và bị phạt rất nặng. Ngược lại, pháp nhân nước ngoài đến Việt Nam vi phạm nghiêm trọng đến mức nào cũng chỉ bị xử lý hành chính tối đa 2 tỷ đồng. Ông Đoàn Khắc Thắng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) có ý kiến: Không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ tạo sự bất bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn sự bất ổn xã hội. Thêm nữa là các nhà soạn thảo luật nên làm rõ trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp lý trong doanh nghiệp hay người sở hữu doanh nghiệp bởi trong thực tế giám đốc doanh nghiệp là diện pháp lý nhưng HĐQT mới là chủ sở hữu thực sự trong quản lý nhân sự, tài chính, kế hoạch hoạt động của đơn vị…

 

Từ một số ý kiến nêu trên cho thấy việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với 32 tội danh để thực thi pháp luật của nước ta trong thời gian tới là phù hợp với quy luật phát triển và sự hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.