Tạo điều kiện thuận lợi cho người được xóa án tích

10:11, 15/09/2015

Bộ luật Hình sự hiện hành bắt buộc người đã chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định thì phải thực hiện thủ tục xin xóa án tích tại Tòa án Nhân dân mới được cấp phiếu lý lịch tư pháp có nội dung không có án tích.

Trong khi đó, theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), chỉ cần người chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì sẽ được cấp phiếu mà không cần phải qua thủ tục xin xóa án tích tại tòa nữa (ngoại trừ một số tội danh cụ thể). Nội dung này được quy định cụ thể tại các điều 70 đến điều 73 tại chương X “Xóa án tích”. Theo ý kiến của nhiều cán bộ ngành tòa án trên địa bàn tỉnh thì đây là quy định mới, rất nhân đạo, tạo điều kiện cho người chấp hành án thuận lợi trong việc tái hòa nhập cộng đồng, nhưng cũng khiến cho công tác xác minh lý lịch gặp khó khăn.

 

Về Điều 70 quy định điều kiện được xóa án tích. Một thuật ngữ mới được sử dụng trong Điều luật này là “không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Thuật ngữ này thay cho thuật ngữ “phạm tội mới”. Như vậy, một người đang bị bắt, bị khởi tố, thậm chí đã bị Tòa án Nhân dân xét xử bằng một bản án chưa có hiệu lực pháp luật cũng có thể được Toà án, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp xác nhận họ không có án tích. Có lẽ trong trường hợp này không ai dám xác nhận họ không có án tích vì chưa có bản án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù Luật quy định: “Một người chỉ bị coi là phạm tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Nếu quy định như điều luật sẽ không thể thực hiện được trong thực tiễn. Theo đó, những trường hợp bị bắt, tạm giam, bị truy tố, bị xét xử (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) thì việc cấp chứng nhận xóa án tích hoặc phiếu lý lịch tư pháp nên tạm dừng lại cho đến khi bản án, quyết định đối với họ đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên thuật ngữ “không phạm tội mới” thay cho thuật ngữ như trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là“không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực phạm tội”, vì theo quy định của pháp luật, một người chỉ bị coi là phạm tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng thời điểm để tính người đó có tái phạm không phải xác định theo thời điểm thực hiện hành vi vi phạm (phạm tội) mới chứ không thể tính vào thời điểm bản án kết tội mới có hiệu lực pháp luật.  

 

Về việc chấp hành xong hình phạt bổ sung nêu trong điều luật này, có thể thấy xu hướng giảm bớt đi thời hạn được xóa án tích để người đã bị kết án sớm có cơ hội hòa nhập thật sự vào xã hội là một xu hướng tiến bộ. Tuy nhiên, nếu theo luật quy định họ chỉ được xem là đương nhiên xóa án tích khi đã thực hiện đầy đủ các điều kiện như “chấp hành xong hình phạt chính hoặc án treo, chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án…”. Quy định như vậy có phần quá khắt khe đối với người đã bị kết án phải “chấp hành xong hình phạt bổ sung” vì sẽ kéo dài thêm thời hạn được xóa án tích của họ. Ví dụ: một người bị phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế thì sau khi chấp hành xong hình phạt, họ phải đợi 5 năm sau khi ra tù mới có thể được xóa án tích.

 

Với các lập luận trên, việc đề nghị giữ nguyên tinh thần của quy định “đương nhiên xóa án tích” của Bộ luật Hình sự hiện hành và chỉ cần bổ sung trách nhiệm của Tòa án khi đương sự có yêu cầu được xóa án tích, đồng thời không cần thiết phải quy định về điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung quy định tại Điều 67 Bộ Luật Hình sự hiện hành là hợp lý.