Theo các đại biểu, những giải pháp của Chính phủ rất hệ thống tuy nhiên cần kết hợp thêm 3 yếu tố để hỗ trợ việc thực hiện 9 giải pháp.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trực tiếp đến triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các vấn đề về kinh tế xã hội và nhiều vấn đề khác. Đây là kỳ họp cuối năm, vì vậy Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước trong thời gian qua và nhiệm kỳ 5 năm tới. Kỳ họp được đại biểu và cử tri kỳ vọng sẽ có những đánh giá đúng mức về tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 của Thủ tướng chính phủ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu quốc hội. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, báo cáo đã thể hiện khá đầy đủ, cô đọng về tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Đây sẽ là tiền đề để Quốc hội có những đánh giá phù hợp, xác định mục tiêu trong phát triển kinh tế, xã hội những năm tiếp theo.
Báo cáo của Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua…
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, các chỉ tiêu đều tăng lên đã thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong các chính sách phát triển kinh tế, đây sẽ là tiền để để giải quyết hàng loạt những vấn đề nóng trong xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, trong một nền kinh tế khó khăn như: bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản còn chật vật; nhập siêu tăng trở lại. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn vượt kế hoạch đề ra, đó là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả kinh tế-xã hội được đánh giá cao, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản; thiên tai, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương; hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao và xâm nhập sâu vào đất liền, nhất là các tỉnh ven biển khu vực Tây Nam bộ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới thực sự phù hợp với tình hình thực tế.
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, những giải pháp cụ thể Chính phủ nêu ra rất có hệ thống, tuy nhiên cần kết hợp với 3 yếu tố quan trọng nữa mới đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra: “Ba yếu tố đó là: Một, phải có sự phối hợp đồng bộ; Hai, cụ thể hóa minh bạch kịp thời tạo sức mạnh; Ba, hệ thống tổ chức có tư duy tốt hơn. Ba yếu tố ấy sẽ hỗ trợ cho 9 giải pháp thực hiện được”.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, bên cạnh những cơ hội thuận lợi đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Vì vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình của Chính phủ cần sự giám sát chặt chẽ, quyết liệt của Quốc hội, sự ủng hộ của nhân dân cử tri để kinh tế thực sự ổn định, khởi sắc./.