Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu

10:15, 29/10/2015

Những ngày vừa qua, thông qua Báo Thái Nguyên, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp những ý kiến tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (dự thảo Báo cáo chính trị). Hôm nay, Báo Thái Nguyên Điện tử đăng tải ý kiến đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Thởn, 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, hiện đang cư trú tại tổ 29, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên).

Là người từng công tác nhiều năm trong ngành Thanh tra, đồng chí Nguyễn Văn Thởn, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng chí cho rằng: Ở nước ta, tình trạng tham nhũng đang được coi là “giặc nội xâm”… Theo nhận định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong dự thảo Báo cáo chính trị, hiện nay tham nhũng vẫn “chưa được ngăn chặn và đẩy lùi” và “vẫn còn nghiêm trọng”. Theo đó, trong phần nhiệm vụ tổng quát của nhiệm kỳ tới, dự thảo Báo cáo chính trị nêu “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng…”. Tuy nhiên, khi tệ tham nhũng đang có nguy cơ góp phần làm cho “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút” như Dự thảo nêu, thì chỉ đặt vấn đề đẩy mạnh như trên là chưa cụ thể.

 

Theo đồng chí, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế và một trong những nguyên nhân quan trọng là do chúng ta chưa tạo được phong trào quần chúng rộng rãi và mạnh mẽ đấu tranh với tham nhũng. Như chúng ta đã biết, phần lớn các vụ việc tiêu cực đã biết, đều không phải do quần chúng (hay do tổ chức của họ ở nơi đó) phát giác, mà lại do báo chí phát hiện. Quần chúng nhân dân có vai trò rất lớn trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Vậy tại sao phần lớn các vụ việc liên quan đến tệ nạn tham nhũng đều không phải do quần chúng nhân dân phát hiện, có phải quần chúng làm ngơ cho tham nhũng, hay vì lý do nào khác? Thực tế không phải như vậy. Hiện nay, người dân rất bức xúc và phẫn nộ với tệ tham nhũng, chỉ có điều họ chưa biết đấu tranh với tham nhũng bằng cách nào mà thôi.

 

Không phải bây giờ Đảng, Nhà nước ta mới chỉ đạo tập trung đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, tại miền Bắc đã có cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, tiếp đến cuộc vận động “chống tiêu cực”… Gọi là cuộc vận động, nhưng có những người đã phải đứng ra trước vành móng ngựa vì hành vi tham ô, tham nhũng của mình. Có được điều đó, một phần là do có tinh thần đấu tranh của đông đảo quần chúng. Nói quần chúng ở đây, là quần chúng được tổ chức. Vậy nên chừng nào các đoàn thể tìm được chỗ đứng cho mình trong cuộc đấu tranh này, thì cuộc đấu tranh với tham nhũng nhất định sẽ có kết quả cao hơn.

 

Theo phân tích của đồng chí Nguyễn Văn Thởn, hành vi tham nhũng nào thì cũng xảy ra ở một nơi cụ thể. Ở đâu người đứng đầu nghiêm túc với chính mình, thì ở đó ít có hành vi tham nhũng. Ngược lại, ở đâu người đứng đầu có hành vi tham nhũng, thì tham nhũng ở đó sẽ nghiêm trọng. Vậy nên cần đặt vấn đề, ở đâu có tham nhũng, trước hết người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý tùy theo mức độ liên đới, ít nhất là trách nhiệm về quản lý. Việc xác định trách nhiệm và xử lý người đứng đầu địa phương, đơn vị có hành vi tham nhũng là hoàn toàn cần thiết bởi điều này thể hiện kỷ cương, phép nước. Bởi vậy, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Đảng, Nhà nước ta phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị khi ở đó có tham nhũng.

 

Đồng chí khẳng định, cuộc đấu tranh với tham nhũng chưa ở đâu là dễ dàng. Ở nước ta đã hội đủ những nhân tố cơ bản cho cuộc đấu tranh này, là ý chí, luật pháp và năng lực thực thi pháp luật. Tuy nhiên ngoài những yếu tố đó, cần phải tổ chức cho được phong trào quần chúng rộng rãi và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị với tình hình tham nhũng ở đó. Do đó, đồng chí cho rằng khi đề cập tới nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, đây là những nội dung rất quan trọng cần được đưa ra trong dự thảo Báo cáo chính trị.