Hiến kế thực hiện thắng lợi mục tiêu

20:27, 27/10/2015

Nhằm minh họa kết quả đạt được của nhiệm kỳ qua, hiến kế thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ tới, đã có nhiều tham luận của các ban, ngành, cơ quan, đơn vị tại Đại hội. Báo Thái Nguyên Điện tử trích đăng một số ý kiến đó.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại

 


Đại biểu Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà.

 

Đảng bộ thành phố Thái Nguyên xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2015-2020 là: “Tăng cường xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đổi mới toàn diện; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, từng bước văn minh, hiện đại”. Đảng bộ Thành phố xác định tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, 4 giải pháp để thực hiện mục tiêu trên. Trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại là giải pháp quan trọng. Thành phố sẽ ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: Các tuyến giao thông đối ngoại; các tuyến giao thông đô thị có vai trò kết nối trung tâm Thành phố với khu vực phía Tây, phía Đông và kết nối hai bờ sông Cầu; các công trình thuộc dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - T.P Thái Nguyên; các công viên dọc sông Cầu, kè dọc sông và các hồ điều hòa tiêu thoát lũ; chỉnh trang, bổ sung hệ thống cây xanh đường phố, hạ ngầm đường dây, đường ống kỹ thuật và lát lại vỉa hè các tuyến đường, phố chính đô thị và trong các khu đô thị mới; dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khách sạn cao tầng tại khu vực trung tâm đô thị hiện hữu; chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các khu dân cư hiện có trong đô thị.

 

Cần có các khu dân cư phục vụ nhu cầu người lao động

 


 Đại biểu Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên.

 

Với chính sách ưu đãi đầu tư và môi trường đầu tư thông thoáng của tỉnh, Thị xã Phổ Yên đã là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến thời gian tới, Tập đoàn Samsung tiếp tục đầu tư mở rộng tại Khu công nghiệp Yên Bình, cùng với đó là các công ty phụ trợ sẽ triển khai nhiều dự án trên địa bàn. Ngoài việc quản lý trên 80.000 lao động hiện có, trong 5 năm tới Thị xã Phổ Yên sẽ tiếp nhận thêm khoảng 50.000 lao động. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về cư trú, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và bảo đảm an ninh trật tự, Đảng bộ Thị xã Phổ Yên đề xuất 5 giải pháp trọng tâm. Trong đó có việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết về nhà ở cho công nhân, người nước ngoài đến làm việc tại thị xã theo hướng: Các doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân theo quy hoạch, thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gắn với phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu dân cư đô thị phục vụ nhu cầu ở của người lao động; xây dựng phát triển các nhà hàng, khách sạn cao cấp phục vụ người nước ngoài đến làm việc tại các khu công nghiệp và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn.

 

Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội

 


Đại biểu Nguyễn Thái Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Định Hoá.

 

Định Hóa là huyện miền núi, vùng cao nên có điểm xuất phát thấp về kinh tế và các vấn đề xã hội; là huyện xa nhất của tỉnh, là địa phương duy nhất trong tỉnh không có Quốc lộ đi qua, hạn chế trong kết nối lưu thông để phát triển kinh tế với các vùng. Từ đó dẫn đến không có lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn chỉ có 4 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ, không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Trong sản xuất nông nghiệp chưa có cây, con mũi nhọn; chưa tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung.

 

Cấp ủy huyện Định Hóa đã đề ra Nghị quyết phải lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước với các nguồn lực huy động tại địa phương và huy động trong nhân dân để tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, dành nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ thực hiện các mô hình liên kết "4 nhà", tạo giải pháp bền vững nâng cao thu nhập cho người dân. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất thực hiện 3 chương trình, 6 đề án và các công trình trọng điểm nhiều các giải pháp có tính đột phá. Trong đó giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết "4 nhà" đối với các chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 quy mô tổng đàn đạt trên 3.000 con, trong đó có 1.500 con bò nái sinh sản sẽ được giao cho 1000 hộ gia đình tham gia; mô hình liên kết "4 nhà" trong phát triển đồi rừng có giá trị kinh tế cao, phấn đấu mỗi năm trồng từ 500ha đến 600ha cây quế, đến năm 2020 đạt 2.500 đến 3.000ha quế để chiết xuất tinh dầu; đẩy mạnh mô hình liên kết "4 nhà" đối với chế biến và tiêu thụ chè búp tươi phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; mở rộng các vùng trồng lúa hành hóa chất lượng cao.

 

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

 

Đại biểu Đỗ Đại Phong, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

 

Tỉnh Thái Nguyên được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, đào tạo, y tế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, là lá chắn bảo vệ phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Do đó, việc xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Thái Nguyên vững chắc sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quân khu và của cả nước. Để tiếp tục xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Nghị định 152 của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng KVPT và chủ trương đường lối quân sự quốc phòng trong tình hình mới. Đồng thời, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; đổi mới, nâng cao chất lượng các nghị quyết lãnh đạo về xây dựng KVPT tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong hoạt động xây dựng KVPT…

 

Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ nữ

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai, Bí thư Huyện ủy Phú Lương.

 

Việc đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý đối với cán bộ nữ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy mạnh dạn thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn theo quy định. Trong 5 năm qua đội ngũ cán bộ nữ được bổ nhiệm và bầu vào các vị trí lãnh đạo, quản lý liên tục tăng. Số cán bộ nữ sau khi được bổ nhiệm, bầu cử vào các vị trí lãnh đạo, cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sở trường, trách nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Để có được kết quả trên, trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện Phú Lương rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn đó là: Cần tập trung làm tốt công tác đánh giá cán bộ, kịp thời phát hiện số cán bộ có triển vọng đưa vào quy hoạch, đào tạo, mạnh dạn giao việc, đề bạt, bổ nhiệm số cán bộ nữ. Trong quá trình sử dụng đội ngũ cán bộ nữ, quan tâm tới việc điều động, luân chuyển cán bộ cho phù hợp với năng lực, sở trường công tác...