Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Cần xử lý nghiêm đối với hành vi rao bán thông tin cá nhân

17:35, 29/10/2015

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về dự thảo Luật An toàn thông tin mạng là việc bảo vệ thông tin cá nhân trước tình trạng các thông tin này dễ bị phát tán trên mạng hiện nay. Các đại biểu cho rằng số điện thoại và danh tính cá nhân của nhiều người đã bị thu thập và phát tán trái phép, không ít người đã và đang bị quấy rối bởi những tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, sim điện thoại… Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể mua được một danh sách hàng chục nghìn thuê bao di động với đầy đủ tên tuổi, khả năng mua sắm của những người đó. Các đối tượng phát tán tin nhắn rác dễ dàng tiếp cận với danh sách này để phục vụ cho việc “dội bom” tin nhắn quảng cáo của họ. Tình trạng rao bán thông tin cá nhân một cách công khai trên mạng đang gây bức xúc trong dư luận, là một vấn nạn cần hạn chế.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra nhận định: Ai cũng biết thông tin cá nhân của mình có thể bị phát tán trái phép, nhưng không biết phát tán từ đâu và làm thế nào để ngăn chặn. Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ về việc bảo vệ thông tin cá nhân, như trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người đó về phạm vi và mục đích thu thập, sử dụng thông tin. Dự thảo Luật cũng cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, cấm không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, để thực thi được các điều khoản này trên thực tế là thách thức lớn khi chưa có tiền đề cho việc sẵn sàng tuân thủ những quy định trên. Trong khi đó, một số điều khoản trong dự thảo Luật có tính khả thi chưa cao để các cơ quan Nhà nước kiểm soát được. Việc tuân thủ các quy định này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Có đại biểu đề nghị, trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước cần định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân; thiết lập kênh thông tin trực tuyến tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân; có hình thức tuyên truyền phù hợp về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này...