Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

16:00, 30/10/2015

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 30-10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật này.

 

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015). Sau đó, ngày 13-7-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật từ ngày 15-7 đến 20-9-2015. Theo Bộ Tư pháp, nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Về việc loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp, quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân. Về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn. Về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng...

 

Theo kết quả tổng hợp, tính đến ngày 20-9-2015, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của 16 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Số ý kiến góp ý ước tính khoảng 3 triệu lượt. Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương (các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương (HĐND, UBND các cấp; Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội khác); từ các cơ quan Nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo… Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10.