Lấy thực tế đối chứng để đánh giá sát thực hơn

14:20, 10/10/2015

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến của một số cán bộ đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh đóng góp vào dự thảo Báo cáo.

Ông Ngô Sĩ Hưởng, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các dự thảo văn kiện, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ông nói: Dự thảo văn kiện được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã thể hiện tinh thần cầu thị và mong muốn tập trung trí tuệ của nhân dân đối với Đảng. Nhìn chung, dự thảo Báo cáo cô đọng, lô gic, chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng: Cần đánh giá sâu hơn về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những năm qua, các đoàn thể đã triển khai thực hiện tốt việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vì vậy rất cần được đánh giá đầy đủ, xác đáng hơn. Trăn trở của ông trước thềm Đại hội XII của  Đảng là vấn đề cán bộ. Theo ông, việc tinh giản biên chế đã được đưa ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội trước, nhưng đến nay chưa giải quyết được, bộ máy Nhà nước vẫn tiếp tục cồng kềnh, nhiều cấp phó; việc luân chuyển cán bộ cần có tầm nhìn chiến lược, ít nhất cán bộ đó phải được làm việc ở một vị trí hết một khóa, được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm và chỉ số phát triển của ngành, địa phương người đó lãnh đạo.

 

Đồng tình với ý kiến của ông Ngô Sĩ Hưởng, ông Đinh Quang Ấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh cũng nhận xét dự thảo các văn kiện lần này được soạn thảo sau khi hàng loạt vấn đề lớn được tổng kết, như: Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; cùng với đó, hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết giữa Việt Nam với các nước (gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP). Vì vậy, nhiều vấn đề được sáng tỏ, đúc kết đầy đủ. Tuy nhiên, đối chứng với thực tế, ông Đinh Quang Ấn cho rằng về lý thuyết thì “xuôi” nhưng chiếu vào thực tế thì còn nhiều chỗ “chênh”. Nội dung ông Ấn quan tâm nhiều nhất là phần xây dựng Đảng.

 

Theo ông, dự thảo Báo cáo lần này so với Báo cáo Đại hội khóa trước chưa thể hiện nhiều điểm mới, vẫn còn nhận định chung chung, chưa thuyết phục. Ông nêu cụ thể: “Muốn Đảng vững mạnh, giàu sức chiến đấu thì đội ngũ đảng viên là yếu tố quyết định. Bởi thế, cần có hệ thống phương pháp giáo dục về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống cho quần chúng ưu tú đi học bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng một cách thuyết phục hơn, thực tế hơn. Hiện nay, tài liệu và phương pháp truyền đạt phục vụ lớp đối tượng kết nạp Đảng dường như đã lạc hậu, lỗi thời. Nhìn vào nhiều người phấn đấu vào Đảng hiện nay, ta thấy nhiều nhất là lực lượng vũ trang, sinh viên, công chức Nhà nước. Trong số họ, không ít người mục đích vào Đảng là để thuận lợi hơn khi xin việc, bổ nhiệm, sắp xếp, thăng tiến…”.  Là người có thâm niên làm công tác tổ chức cán bộ, ông Ấn cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Theo ông: Dự thảo Báo cáo chưa nói đến điều cốt lõi nhất của công tác cán bộ, đó là cơ chế để bảo đảm quyền lợi tương xứng với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Khi Đảng ta còn hoạt động bí mật, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chiếm đến 99%, quyền lợi chỉ 1%. Nay, tỷ lệ này đã thay đổi nhiều. Vì sao ở nước ngoài, khi bê bối xảy ra, người chịu trách nhiệm thường xin từ chức ngay? Bởi nếu họ không từ chức cũng không được. Còn ở ta, cán bộ chưa quen với việc xin từ chức, và ta cũng chưa có cơ chế để buộc họ từ chức…

 

Điều ông Nguyễn Văn Túc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) trăn trở là về 4 nguy cơ Đảng ta đã xác định từ nhiệm kỳ Đại hội trước (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về tệ nạn tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch) đến nay đã được giải quyết như thế nào? Theo ông Túc, nguy cơ về tệ nạn tham nhũng, tệ quan liêu vẫn còn nặng nề, cần được đánh giá thẳng thắn, sâu sắc hơn…

 

Những ý kiến của các cán bộ nghỉ hưu mà chúng tôi ghi được đã thể hiện sự tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng; với lòng tin và mong muốn đất nước ta ngày càng giàu mạnh.