Lược ghi những ý kiến tham luận tại Đại hội

18:00, 28/10/2015

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đã có nhiều ý kiến tham luận của đại diện các ban, ngành, cơ quan, đơn vị hiến kế thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ tới. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến đó.

Quản lý hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
 

Đại biểu Trịnh Việt Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ. Ảnh: Thế Hà

 

Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí gắn quản lý hoạt động khoáng sản với bảo vệ môi trường, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; đặc biệt là kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép, bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong hoạt động khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Chương trình xây dựng nông thôn mới; đề cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự tham gia hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường...


Lựa chọn vấn đề nóng để giám sát

 

Đại biểu Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ảnh: T.H

 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: chủ động xây dựng kế hoạch về giám sát và phản biện xã hội, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; gắn việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, MTTQ cần phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, lựa chọn những vấn đề nóng, bức xúc, những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm để giám sát. Cán bộ Mặt trận phải có trình độ hiểu biết, am hiểu và nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Do đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chú trọng đưa nội dung giám sát và phản biện xã hội vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên.

 

Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng

 

Đại biểu Nguyễn Đức Lực, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Ảnh: TH

 

Xác định đúng nhiệm vụ chính trị; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng là giải pháp đầu tiên để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2015-2020. Để xác định đúng nhiệm vụ chính trị, các tổ chức cơ sở đảng cần nắm vững và thực hiện tốt việc quán triệt đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết, chủ trương và kế hoạch công tác của cấp trên; nắm chắc đặc điểm, đánh giá đúng tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phát huy trí tuệ của tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

 

Công tác chính trị - tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, phải được các tổ chức cơ sở đảng thực sự coi trọng, cần đổi mới, tiến hành thường xuyên, liên tục; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trước hết là bí thư và cán bộ chủ chốt; gắn công tác chính trị - tư tưởng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Những vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”.
 

Xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng 

 

 Đại biểu Dương Văn Tiến, Bí thư Tỉnh đoàn. Ảnh: Thế Hà

 

Thời gian qua, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của tỉnh đã thực sự có những chuyển biến tích cực, rõ nét trên nhiều mặt. Trong đó, hai phong trào hành động cách mạng “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã đi vào cuộc sống và từng bước phát triển. Với tư cách là “lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tuổi trẻ Thái Nguyên mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Tỉnh ủy - HĐND - UBND và các cấp ủy Đảng, chính quyền để thực hiện tốt một số giải pháp như: Không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn các cấp từ tỉnh tới cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động theo quan điểm “Xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước”. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ thanh niên về kiến thức, nghề nghiệp, vốn vay phát triển kinh tế. Việc thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, nhất là ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng cần tiếp tục triển khai.

 

Tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp

 

Đại biểu Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: TH

 

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay được coi như một trong những “chìa khóa” của thành công. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), sản xuất nông nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Để hội nhập và phát triển phải đẩy nhanh tái cơ cấu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Một số giải pháp chính đuợc đặt ra trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là:

 

Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô phù hợp đối với lĩnh vực trồng trọt là rau, hoa, nấm, chè, cây lâm nghiệp; chăn nuôi bò thịt, gia cầm; thủy sản (cá nước ngọt); hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung sản xuất các sản phẩm chè hàng hóa đảm bảo năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường; ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích ứng rộng với điều kiện biến đổi khí hậu. Áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, giảm chi phí đầu vào như biện pháp “gieo thẳng”, “ba giảm, ba tăng”, canh tác lúa cải tiến (SRI), phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM…