Một vài suy ngẫm về công tác xây dựng Đảng

08:30, 15/10/2015

Có thể thấy rất rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (dự thảo Báo cáo chính trị), mục XV nói về công tác xây dựng Đảng (XDĐ) đã dành tỷ lệ độ dài và nội dung rất tương xứng với tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề đặt ra.

Với tinh thần nhìn thẳng, nói rõ sự thật, dự thảo đã đánh giá đúng mức những gì chúng ta đã làm được và chưa làm được, trong công tác XDĐ 5 năm qua. Nhưng qua trao đổi với nhau, những đảng viên lớn tuổi, chúng tôi vẫn có tâm trạng mừng ít, lo nhiều, bởi sau nhiều năm, với bao công sức, nỗ lực, Đảng ta“vẫn chưa thực sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ…” (trích dự thảo Báo cáo chính trị).

 

ành rằng vẫn đồng tình với nhận định: Vấn đề “xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triền nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế là những vấn đề mới và khó, phải vừa làm vừa tìm tòi, tổng kết rút kinh nghiệm để đổi mới, hoàn thiện…”, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bằng lòng với những thiếu sót, khuyết điểm “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Những bài học từ sự sáng tạo vượt khó trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc chẳng đang còn có giá trị thực tiễn đó sao?

 

Có ba vấn đề chúng tôi muốn bày tỏ:

 

Một là, đã có bài học “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đó cũng là cái “bất biến” để “ứng vạn biến”. Vì vậy, trong phương hướng công tác XDĐ của nhiệm kỳ tới cần làm nổi bật lên việc huy động sức dân cho công tác XDĐ. Thay vì sử dụng câu chữ chung chung, phải xây dựng một quy chế mở đường, tạo điều kiện bằng các biện pháp cụ thể, để dân có thể tham gia giám sát vào hoạt động của tổ chức Đảng, giám sát năng lực công tác, phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên ở các cấp. Ví dụ: Có thể mở rộng việc định kỳ lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân với cán bộ, đảng viên, phiếu tín nhiệm của cán bộ, nhân viên với cán bộ chủ trì; hoặc có số điện thoại nóng để người dân có thể phản ảnh kịp thời những hiện tượng vi phạm phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Xác định và nâng cao vị thế của người dân trong mối quan hệ Dân - Đảng…

 

Hai là, công tác cán bộ cần được coi là khâu đột phá. Bởi xưa nay, bài học “cán bộ nào phong trào ấy” chưa bao giờ cũ. Mặc dù từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, cuộc vận động để giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhưng dường như cơ chế thị trường đã ít nhiều làm vô hiệu hóa những nỗ lực đó, dẫn đến “số lượng cán bộ công chức không những không giảm mà còn tăng, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập… việc đổi mới công tác cán bộ chưa có những đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất từ nhiều nhiệm kỳ… tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp...chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Tiếp đó là nạn tham nhũng, lãng phí công quỹ diễn biễn ngày càng tinh vi, đòi hỏi phải sớm hình thành hệ thống cơ chế, chính sách, một hệ điều hành minh bạch, dân chủ và có hiệu quả; loại bỏ sự lũng đoạn trong công tác thanh tra, kiểm sát, kiểm toán; sớm khắc phục bằng được các hiện tượng tiêu cực “muôn màu muôn vẻ” trong công tác cán bộ hiện nay, mở đường cho những người có đức, có tài tham gia bộ máy của Đảng và Nhà nước các cấp.

 

Ba là, với công tác tư tưởng, chúng tôi đồng tình với những ưu điểm đạt được, đồng thời nhất trí với đánh giá trong dự thảo Báo cáo Chính trị “chất lượng công tác tư tưởng, lý luận chưa cao”. Nhưng nếu soi từ thực tế thì cần phải nói rõ hơn rằng chúng ta đang còn nhiều lúng túng trong công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Phương pháp của công tác tư tưởng truyền thống liệu đã trở nên lạc hậu? Những cố gắng của tập thể những nhà chuyên môn giỏi về công tác này, dù có hàm lượng trí tuệ rất cao, với sự phân tích sắc sảo, tràn đầy sức chiến đấu (thường đăng trên các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân…) lại không có phương thức thích hợp để truyền đạt sâu rộng tới quần chúng. Trong khi đó, những thông tin trái chiều, xuyên tạc (thậm chí phản động) lại ngang nhiên tồn tại trên nhiều trang mạng xã hội mà không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, triệt để. Đó là một thực trạng khiến cho mặt trận giáo dục chính trị, tư tưởng đang có nguy cơ tuột khỏi sự kiểm soát vốn có.

 

Đã đến lúc trong phương hướng của công tác tư tưởng không thể nói chung chung, cần đổi mới cái này, đổi mới cái kia, hoặc đổi mới hơn nữa, mà phải đặt nó trong mối quan hệ tổng thể với những vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội, vấn đề dân chủ, an ninh - quốc phòng, phòng chống tham nhũng, tội phạm. Xưa nay “hữu xạ tự nhiên hương”, niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân với Đảng sẽ tăng lên khi những vấn đề tiêu cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí giảm đi theo thời gian, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, dân chủ được mở rộng… Mặt khác, phải giúp người dân có được những hiểu biết về mặt trái của nền kinh tế thị trường (bên cạnh tính ưu việt của nó) mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được, qua đó một mặt tăng “sức đề kháng” cho tư tưởng của người dân, mặt khác sẽ thấy hết khó khăn của những người “cầm cân nẩy mực”, khó khăn của đất nước trên con đường phát triển phía trước. Từ đó, nhân dân xác định rõ trách nhiệm của mình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần như một khẩu hiệu của thanh niên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”…