Quan tâm vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

16:28, 02/10/2015

Tham gia đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các đảng viên của huyện Đồng Hỷ đã có những ý kiến trên nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và vấn đề tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp.

Về phần đóng góp vào nội dung dự thảo Báo cáo, nhiều ý kiến đóng góp về mục tiêu tổng quát 5 năm 2016-2020. Trong phần thứ 2: Mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu trong 5 năm (2015-2020) các ý kiến đề nghị cần bổ sung tình hình của tỉnh Thái Nguyên trong những năm tới để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp. Trong mục 2- Các chỉ tiêu chủ yếu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số từ ngữ, số liệu và giải pháp. Ở chỉ tiêu 1 về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các ý kiến đề nghị nâng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu hàng năm lên 12% trở lên. Ở chỉ tiêu 2 về Cơ cấu kinh tế đến năm 2020, các ý kiến đề nghị bỏ từ “Khu vực”, sửa thành “Công nghiệp và xây dựng 52-53%; dịch vụ khoảng 36-37%; nông lâm thủy sản khoảng 11-12%”. Chỉ tiêu 6 về thu ngân sách Nhà nước, đề nghị điều chỉnh thu ngân sách Nhà nước trong cân đối tăng bình quân 13%/năm. Ở chỉ tiêu 13 về giảm tỷ lệ hộ nghèo, đề nghị điều chỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2,2% trở lên cho phù hợp với chỉ tiêu tạo việc làm và tăng bình quân GRDP. Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh.

 

Trong phần II-Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, hầu hết các ý kiến nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Dự thảo báo cáo chính trị. Tuy nhiên có một số ý kiến đề nghị sửa đổi và thêm các giải pháp. Tại mục 1, tiểu mục 1.1 trang 22, đề nghị thêm cụm từ “sửa đổi” vào sau cụm từ “tiếp tục rà soát”, sửa thành “tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế,…”Tại tiểu mục 1.2, trang 24, lĩnh vực nông, lâm, nghiệp thủy sản, đề nghị cần có thêm các giải pháp đầu tư phát triển nguồn nông sản trong tỉnh, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

 

Cũng đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các đảng viên quan tâm đến những vấn đề về những giải pháp thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng bộ thị trấn Chùa Hang là một ví dụ. Đồng chí cho rằng: Sản xuất nông nghiệp hiện nay của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu dựa trên kinh tế hộ, sản xuất manh mún, còn thiếu liên kết. Vì vậy, giá trị hàng hóa, hiệu quả, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp còn thấp, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chưa có vị thế trên thị trường, sức cạnh tranh hầu như không có. Tái cơ cấu nông nghiệp là rất cần thiết và cấp bách trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đó chính là tổ chức sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững. Qua đó sản xuất được sản phẩm hàng hóa có thể cạnh tranh và mang lại lợi nhuận cao. Đồng chí đề nghị bước đầu của tái cơ cấu cần tập trung định hình những ngành hàng có lợi thế, ưu thế và có giá trị để tổ chức thực hiện trước. Cần thêm những giải pháp để xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác và liên kết trong sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. Tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao khoa học công nghệ nói chung, trong đó cần trang bị cho người làm nông nghiệp kiến thức về thị trường hàng hóa. Bên cạnh đó, khi xây dựng mô hình để thực hiện tái cơ cấu, cần phải xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn.