Sôi nổi các ý kiến thảo luận tổ

20:20, 26/10/2015

Trong phiên họp trù bị chiều 26-10, các đại biểu đã chia thành 10 tổ thảo luận xung quanh việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu Đại hội đề ra. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi các ý kiến thảo luận tại các tổ.

Phải có giải pháp quyết liệt hơn mới đạt được chỉ tiêu

 

Đa số các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình cho rằng tỉnh ta sẽ đạt được các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX…

 

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Thời (Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh) nêu ý kiến: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 9%/năm; thu nhập đầu người đạt 86 triệu đồng đến năm 2020 là hoàn toàn có thể thực hiện cao hơn vì hiện nay nền kinh tế thế giới đang phục hồi, hơn nữa thời gian qua tỉnh thực hiện khá tốt việc cải thiện môi trường đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư vào tỉnh; tương lai sẽ có nhiều dự án, nhà đầu tư hơn, bởi vậy chúng ta hoàn toàn tin tưởng kinh tế sẽ phát triển hơn so với mục tiêu Đại hội đề ra.

 

Khác với ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Thời, một số ý kiến phân tích, cho rằng sẽ có chỉ tiêu khó đạt như mong muốn.

 

ĐB Trần Văn Khâm (Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) bày tỏ: Chỉ tiêu (CT) giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm là  cao và khó thực hiện. Ông Khâm phân tích: khi các hiệp định thương mại quốc tế triển khai ở Việt Nam, sản xuất công nghiệp sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, 9 tháng đã đạt 1.968/2.456 tỷ đồng doanh thu của năm 2015, nhưng giá phôi thép cũng như giá thép thành phẩm bán ra đang hạ rất nhanh, tăng 15% đồng nghĩa với doanh thu của đơn vị phải đạt 3.000 tỷ đồng, đây là con số khó thực hiện.

 

Một số CT khác nhiều đại biểu cũng cho là cao. ĐB Hoàng Duy Hưng (Đảng bộ huyện Phú Lương) nói: đến năm 2020, Thái Nguyên đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới (80% trở lên số đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới); có 70% làng, xóm, tổ dân phố văn hóa. Ông Hưng cho rằng, hết năm 2015, dự kiến mới có 42 xã (chiếm 29,4%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, đưa ra con số 80% nói trên là khó thực hiện. ĐB Quản Chí Công (Đảng bộ T.P Thái Nguyên) lại trăn trở: CT 80% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (theo tiêu chuẩn mới) là khó đạt. Ngay như Thành phố hiện mới đạt 70%, chưa nói đến các huyện, thị khác điều kiện không thuận lợi bằng. Theo ông, muốn đạt con số 80%, tỉnh cần đưa ra một số giải pháp tích cực hơn như: Tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ…

 

Tương tự, CT về thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 86 triệu đồng theo ĐB Ngô Mạnh Hùng (Đảng bộ T.P Sông Công) là quá cao, bởi năm 2015, con số này ước đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Con số 95% người dân ở nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng là mục tiêu khó thực hiện, nhất là đối với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa.

 

CT phát triển văn hóa cũng được nhiều người quan tâm. Theo ĐB Đinh Hồng Thanh (Đảng bộ huyện Phú Bình) thì đến năm 2020 có 90% trở lên số hộ gia đình đạt tiêu chí văn hóa; 70% làng, xóm, tổ dân phố văn hoá là con số cao. Ngược lại, 90% trở lên cơ quan đạt chuẩn văn hóa lại là thấp. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Tiến Lợi (Đảng bộ T.P Thái Nguyên) phân tích: năm 2015, tỉnh đã có 95% cơ quan, đơn vị đạt cơ quan văn hóa, vì sao đến năm 2020 lại giảm xuống còn 90%?. Về số cơ quan văn hóa, đại biểu Ngô Quảng Bá (Đảng bộ T.P Sông Công) đề xuất con số 97% đến năm 2020, bởi việc xây dựng cơ quan văn hóa thuận lợi hơn đối với xóm, tổ văn hóa.

 

Chỉ tiêu phát triển đảng viên mới 4% là cao so với thực tế
 

Công tác xây dựng Đảng được nhiều ĐB quan tâm, nhất là các chỉ tiêu cụ thể. ĐB Phạm Hoàng Sơn (Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh) và đại biểu Dương Viết Dũng (Đảng bộ huyện Phú Bình) có chung quan điểm: kết nạp đảng viên tăng 4%/năm so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là cao, nên để mức 3,5% là phù hợp.

 

ĐB Nguyễn Thị Tuyết (Đảng bộ T.P Thái Nguyên) bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu số 15 nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Hằng năm kết nạp đảng viên tăng 4% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ; trên 80% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 50% đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Theo bà Tuyết, nhiệm kỳ 2010-2015, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh là 79,4%, nay chỉ tiêu nhiệm kỳ mới 50% là không hợp lý.

 

Nhiều vấn đề khác được đại biểu tham gia ý kiến

 

Chủ đề của Đại hội được ĐB Ngô Ngọc Sơn (Đảng bộ huyện Đại Từ) góp ý. Theo ông Sơn, chủ đề của Đại hội rất lớn và có tính bao quát cao, nhưng thực tế lại thiếu điểm nhấn của nhiệm kỳ. Đề nghị Đại hội xem xét bổ sung sao cho chủ đề cụ thể hơn trên cơ sở có dấu ấn đổi mới của nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Tham gia vào giải pháp thực hiện các mục tiêu, ĐB Trần Viết Khanh (Đảng bộ Đại học Thái Nguyên) nói: Nhiệm kỳ tới, tỉnh cần quan tâm hơn đến vấn đề phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn, trong đó có giáo dục đại học. Đề nghị tỉnh sớm có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải là những giải pháp chung chung. Nhất là nên có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực sau đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp.

 

ĐB Lê Thanh Tuyết (Đảng bộ Thị xã Phổ Yên) đề xuất vấn đề khác. Ông trăn trở: sau khi Tập đoàn SamSung vào đầu tư tại Thị xã Phổ Yên đã có hàng chục doanh nghiệp phụ trợ tiếp tục vào đầu tư. Hiện thị xã có khoảng trên 80 nghìn lao động, trong đó cư trú trên địa bàn là hơn 35 nghìn người. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của Thị xã là quản lý lao động, kinh doanh nhà trọ, vấn đề an ninh trật tự. Khoảng 1-2 năm nữa, dự kiến lực lượng công nhân đến làm việc tại địa phương sẽ lên tới trên 100 nghìn người, áp lực về trường học, bệnh viện… sẽ rất cao. Từ đó, ông đề nghị: tỉnh tiếp tục quan tâm đến vấn đề thu hút các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân theo mẫu quy định và tăng cường thêm lực lượng công an để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; cần có kế hoạch đầu tư trung hạn mở rộng mạng lưới trường, lớp, bệnh viện… của Thị xã Phổ Yên và các vùng lân cận để đáp ứng yêu cầu thực tế.

 

Một số ĐB lại đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra các CT. ĐB Nguyễn Văn Tiệu (Đảng bộ huyện Võ Nhai) cho rằng vấn đề môi trường ngày trở nên bức thiết nên đề nghị xem xét, đưa thành một trong những mục tiêu cần thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Hiện nay, chúng ta đang nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ vệ sinh môi trường nông thôn, người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… mà chưa đề cập đến vấn đề rác, nước thải trong sản xuất, sinh hoạt, hoạt động khai khoáng. Đồng quan điểm này, ĐB Phạm Duy Hùng (Đảng bộ huyện Đại Từ) cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do tác động của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh khá phổ biến. Trong khi đó, việc xử lý ô nhiễm thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần thiết phải có những đánh giá cụ thể và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

Đại biểu Vũ Minh Tuấn (Đảng bộ T.P Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thành tố an ninh quốc phòng vào chủ đề của Đại hội, vì Thái Nguyên là địa phương có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, tuy nhiên trong dự thảo báo cáo lại chưa đề cập đến vấn đề này.