Về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người

10:35, 21/10/2015

Theo dõi quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong hơn một năm qua, nay lại được nghiên cứu toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội (dự thảo Báo cáo chính trị), hầu hết những ai có trách nhiệm và tâm huyết đều nhận xét: Dự thảo được chuẩn bị công phu, ngắn gọn, súc tích, bố cục chặt chẽ; đánh giá thành tựu và thiếu sót thỏa đáng, phản ánh đúng thực tế, khách quan. Phương hướng, nhiệm vụ trong các nội dung công tác, thể hiện  sự nhanh nhạy, nắm bắt tình hình trong nước và quốc tế, với tầm nhìn bao quát rộng lớn, khả năng tư duy mới, của tập thể Bộ chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học...

Tuy nhiên, ở từng phần cụ thể vẫn còn những tiểu tiết (có thể do góc nhìn, cách đặt vấn đề khác nhau) cần nêu để trao đổi cho hết tình, hết ý. Trong phạm vi của một bài viết nhỏ, tôi chỉ xin nêu vài suy nghĩ trong mục VII về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

 

Cũng như ở các nội dung khác trong dự thảo Báo cáo chính trị, ở mục này, từ phần đánh giá thành tưu, thiếu sót đến phương hướng, nhiệm vụ nhìn chung là thỏa đáng, thể hiện tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật với tinh thần cách  mạng tiến công của tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng; trong đó có những nét mới trong phương hướng, nhiệm vụ, rất dễ nhận biết, như: Cách đặt vấn đề "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; "Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục"; "Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế" hoặc "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa"... Những nét mới đó, nói lên bước phát triển mới về tư duy của chúng ta, trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Tuy vậy, có hai điều tôi muốn nói đến như sau:

 

Thứ nhất, hiện nay, trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận các tầng lớp dân cư (trong đó có không ít cán bộ công chức, đảng viên) đang công khai hóa, việc lợi dung danh nghĩa văn hóa, để sa đà quá mức vào các hoạt động mê tín dị đoan. Tình trạng lập đàn cúng tế, xem bói toán, tướng số, buôn thần bán thánh... để rồi dựa vào đó, hành xử trong các mối quan hệ xã hội, làm cho văn hóa tâm linh bị biến dạng theo hướng không lành mạnh, gây lãng phí lớn về của cải xã hội... Vậy có nên thể hiện ý này trong phần thiếu sót không?

 

Thứ hai, về nguyên nhân của những hạn chế yếu kém. Trong dự thảo mục này có chưa đầy 100 từ. Tuy ngắn hay dài không quan trọng, nhưng ý tứ phải rõ ràng. Ở đây có hai ý cần tách bạch: Một là, ở tầm vĩ mô, nguyên nhân là do việc "cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ". Còn về công tác quản lý Nhà nước, dự thảo viết: "Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn chậm đổi mới..." Xin đề nghị thêm bốn chữ: bảo thủ, trì trệ, vào trước ba chữ: chậm đổi mới. Vì bảo thủ, trì trệ, mới dẫn đến công tác quản lý không theo kịp sự phát triển của xã hội, dẫn đến đầu tư dàn trải. Hai là, với cấp dưới, nguyên nhân đó là, nhận thức ý nghĩa của vấn đề chưa đúng, chưa đủ, dẫn đến trách nhiệm chưa cao nên xem nhẹ, buông lỏng. Là sự lúng túng tổ chức phối hợp, giữa các thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở, để phát triển văn hóa, xây dựng con người; là sự ỷ lại vào sự chỉ đạo của trên.

 

Những nguyên nhân từ hai cấp nói trên đang phụ họa nhau, làm cho sự bảo thủ trì trệ trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội kéo dài.