Về vấn đề tăng chỉ tiêu lao động phi nông nghiệp

09:16, 30/10/2015

Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam thực hiện trong hai thập kỷ vừa qua đặc trưng bởi những chính sách cải cách kinh tế, mở cửa nền kinh tế và vận hành các quan hệ kinh tế theo hướng thị trường. Tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách đổi mới.

Cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng công nghiệp hóa; xu hướng này thể hiện đặc biệt rõ hơn trong 10 năm trở lại đây. Tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP của cả nước giảm dần, từ 27,18% năm 1995 xuống 24,37% năm 2000 và 21,76% vào năm 2004. Ở khu vực nông thôn, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng diễn ra mạnh mẽ. Tỷ trọng các ngành nghề phi nông nghiệp đã tăng lên rõ rệt, đóng góp nhiều vào cải thiện và đa dạng hóa thu nhập của người dân.

 

Đi liền với thay đổi về cơ cấu kinh tế trong nông thôn là sự biến đổi về cơ cấu của lực lượng lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự thay đổi đó còn thiếu bền vững và tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp cao. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu: “Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35-40%”. Để thực hiện chỉ tiêu này, đối chiếu với tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ và quá trình đô thị hóa của đất nước ta trong những năm qua là không khó, nhưng duy trì và bảo đảm giữ vững được mới là thách thức. Bởi lẽ các số liệu thống kê cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu lao động của các ngành không hoàn toàn diễn ra tỷ lệ thuận với GDP do các ngành đó tạo ra. Do năng suất lao động trong các ngành công nghiệp lớn hơn trong nông nghiệp, tỷ trọng tăng lên của lao động được thu hút vào khu vực công nghiệp thường thấp hơn mức tăng của tỷ trọng GDP của ngành này so với nông nghiệp.

 

Chính vì vậy, một lực lượng lao động lớn vẫn nằm ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở nông thôn cao hơn ở khu vực thành thị kết hợp với tốc độ tăng việc làm ở nông thôn chậm hơn đã dẫn đến càng làm tăng sức ép về việc làm ở khu vực nông thôn. Thêm vào đó, năng suất lao động trong nông nghiệp thấp, đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do các nhu cầu về phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị càng làm cho thời gian nông nhàn tăng lên và sức ép về việc làm càng thêm gay gắt. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nói chung và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn nói riêng. Những chính sách này tập trung vào: xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cung cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nông dân cho mục tiêu phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, khuyến khích phát triển các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đào tạo nghề v.v... Những giải pháp chính sách kể trên được đánh giá là đã góp phần không nhỏ vào cải thiện đời sống kinh tế nông thôn và làm thay đổi cơ cấu lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu những giải pháp chính sách này có thực sự là đòn bẩy, có tính quyết định cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn?

 

Quá trình công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam càng làm cho các luồng di chuyển lao động, biến động về cơ cấu lao động phát triển mạnh mẽ hơn. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về quá trình biến đổi đó, song cũng có một thực tế là các yếu tố kinh tế - xã hội yếu kém ở nông thôn là những lực đẩy và sự hấp dẫn ở cuộc sống đông thị là những lực hút làm tăng sự di cư nông thôn thành thị hiện nay.

 

Chính vì vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn không nên hiểu một cách cứng nhắc là phải nâng cao tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hoặc giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến một mức độ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định nào đó theo kiểu giao các chỉ tiêu hành chính. Bởi ngay trong nội tại kinh tế ngành nông, lâm, ngư nghiệp nếu như quy hoạch và thực hiện tốt quy trình sản xuất theo hướng CNH-HĐH thì lao động trong lĩnh vực này sẽ tự chuyển hóa theo. Và như vậy lực lượng sản xuất sẽ tự chuyển hóa phù hợp với quan hệ sản xuất, đồng thời sẽ tự quyết định quan hệ sản xuất.

 

Để giải quyết hợp lý và đúng trình tự trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH, thì cần tập trung một số giải pháp trước mắt, đó là:

 

Cần nâng cao chất lượng lực lượng lao động nông thôn để tạo năng lực nắm bắt cơ hội chuyển dịch lao động: tăng đầu tư để củng cố hệ thống trường lớp và giáo viên ở nông thôn và các vùng xa xôi; xây dựng một chiến lược và kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề cho các lao động nông thôn; Không nên chỉ có một chương trình đào tạo nghề giống nhau áp dụng cho mọi địa phương.

 

Hoàn thiện các chính sách về đất nông nghiệp, công khai và minh bạch hơn nữa qui hoạch đất nông nghiệp vẫn hết sức cần thiết do các tác động gián tiếp của các chính sách này đến chuyển dịch lao động là không nhỏ. Điều đó là do nông dân sẽ có cơ sở tính toán việc sử dụng lâu dài hay không nguồn lực quan trọng này và từ đó có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp.

 

Tập trung giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội các vùng “giải toả” buộc nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp với đa phần sang khu vực phi nông nghiệp. Do những nông dân này thường không được chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dịch này, cần có thêm các chính sách hướng dẫn nông dân về sinh kế sau giải phóng mặt bằng để nông dân biết cách chuyển đổi sang các ngành nghề phù hợp, ổn định cuộc sống.

 

Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng lao động trong mọi loại hình phát triển, tăng trưởng kinh tế thay vì chỉ tập trung gải quyết vấn đề thất nghiệp.