Các lợi thế của Việt Nam như nông nghiệp, điều kiện phát triển du lịch, “dân số vàng”…chưa phát huy được như mong muốn sau khi gia nhập WTO.
Trong phiên họp thứ 41 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)” cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế và việc gia nhập WTO (từ 2007) là chủ trương đúng đắn, tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước. Tuy vậy, nhiều lợi thế chính của Việt Nam không phát huy được như mong muốn, chưa tranh thủ tối đa vận hội để phát triển.
Có cơ hội nhưng chưa tranh thủ được vận hội
Đồng tình với đánh giá chủ trương gia nhập WTO là hoàn toàn đúng đắn và cái Việt Nam đạt được được sau khi gia nhập nhiều hơn mất, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng tại sao lợi thế chính của chúng ta vừa qua không phát huy được là câu hỏi rất quan trọng cần phải trả lời, để từ đó rút ra kinh nghiệm cho quá trình hội nhập sâu rộng tiếp theo.
“Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản thấp hơn khi gia nhập và cả ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể. Lợi thế về thiên nhiên, điều kiện phát triển du lịch và “dân số vàng”, lao động trẻ cũng chưa phát huy được. Nguyên nhân tại sao?”, ông Hiển đặt câu hỏi và đề nghị cần chỉ ra cho được những lợi thế của Việt Nam nhưng chưa phát huy được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, nước ta xuất phát là nước nông nghiệp và nông dân là chủ thể hội nhập thì phải sẵn sàng để năng suất, chất lượng, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp tăng lên. Tuy vậy báo cáo giám sát cho thấy tốc độ cũng giảm, chất lượng hàng hoá cạnh tranh cũng “xuống” tương đối trong khi điều này ảnh hưởng đến giảm nghèo, đến xã hội.
“Có cơ hội làm nhưng chưa tranh thủ được vận hội, chưa vượt qua được khó khăn. Cho đến nay ta vẫn có nền nông nghiệp như vậy, các yếu tố khoa học- công nghệ, cạnh tranh, chất lượng, nguồn nhân lực vẫn là thử thách, vẫn là câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ngành nông nghiệp mấy năm hội nhập tranh thủ được gì cũng là câu hỏi phải trả lời”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nghị làm rõ thêm về sự tác động sau khi gia nhập WTO tới nông nghiệp thế nào, kể cả kết quả đạt được, mặt tích cực cũng như áp lực, khó khăn bất cập khi chúng ta “đi ra biển lớn” trong điều kiện nền kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp.
Cho rằng Báo cáo giám sát đưa ra bức tranh tương đối toàn diện về tác động của việc gia nhập WTO với những số liệu cụ thể, cập nhật, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi: Kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra khi gia nhập ở mức độ nào? Nên có so sánh với các nước trong khu vực để thấy được bước đi thành công cùng vấn đề cần nhìn nhận như là thách thức để tiếp tục vượt qua.
Chỉ số khoảng cách nghèo tăng lên phản ánh điều gì?
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Báo cáo giám sát cần trả lời các câu hỏi: Quá trình gia nhập đang tác động tới đời sống xã hội, tới dân cư như thế nào? Người Việt Nam hưởng lợi và đứng trước áp lực gì của quá trình gia nhập này? Nông nghiệp trở thành nơi trú ẩn an toàn trong giai đoàn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói lên điều gì?
Theo bà Mai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần đánh giá đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu lao động. Trong đó cơ cấu lao động nông nghiệp cần phân tích thêm vì mặc dù có giảm từ 52,9% năm 2007 xuống 47% nhưng vẫn rất cao so với mong muốn và cao nhất trong khu vực, trong khi Malaysia có 12%, Thái Lan 39%, Philippines 32% và Indonesia 30%.
Lao động tự làm trong lao động nông nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để thấy sự bền vững của lao động nông nghiệp đang ở mức độ nào thì Việt Nam cũng đang chiếm 62,7%, còn Thái Lan 50%, Indonesia 36%...
“Điều này dẫn đến câu chuyện gì về mặt đời sống - xã hội sau khi ta gia nhập WTO? Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo báo cáo đánh giá là tích cực, vậy cơ cấu lao động thế này có đánh giá tích cực không?”, bà Mai đặt vấn đề.
Đề cập quan hệ giữa nghèo và Hệ số Gini (Hệ số biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân), bà Trương Thị Mai cho biết Báo cáo cho thấy chỉ số này đang tăng đều từ 0 đến 1 và đây là vấn đề cần hết sức quan tâm.
“Nếu nghiêng về 0 thì bình đẳng còn nghiêng về 1 sẽ càng bất bình đẳng thì ta từ 0,33 năm 1993 và 0,37 của giai đoạn 2002- 2008 nay lên 0,42. Kinh tế phát triển nhưng bất bình đẳng đang tiến dần về con số 1 và rơi vào nhóm yếu thế là dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tốt hơn một số nước có cùng trình độ, điều kiện nhưng đang che giấu bất bình đẵng nên cần phân tích cụ thể hơn”, bà Mai nói./.
Theo Báo cáo giám sát, hầu hết các hỗ trợ trong nước đối với nông nghiệp đều nằm trong nhóm chính sách “hộp xanh” là nhóm được tự do áp dụng trong WTO. Số liệu từ Bộ NN-PTNT cho biết các chi phí hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng.
Chênh lệch giữa tỷ lệ nghèo cao nhất-thấp nhất giảm xuống so với khi gia nhập WTO nhưng tính ổn định không cao, tiềm ẩn sự bất ổn trong kết quả giảm nghèo.
Khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số khoảng cách nghèo tăng lên, phản ánh mức độ trầm trọng của tình trạng nghèo có xu hướng tăng lên so với trước khi gia nhập WTO.
Mặc dù chênh lệch thu nhập thành thị và nông thôn được rút ngắn về số tương đối nhưng gia tăng về số tuyệt đối./.