Là người đọc, suy ngẫm rất kỹ về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (dự thảo Báo cáo chính trị), ông Bùi Điệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh đã nêu ý kiến của mình đóng góp vào dự thảo.
Ông Bùi Điệp nói: 5 vấn đề lớn nêu bật trong phần chủ đề của dự thảo Báo cáo chính trị là:“Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là những vấn đề rất cốt lõi của đất nước”. Nhưng tôi băn khoăn về câu chữ. Từ “tăng cường” đặt trước cụm từ “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” chưa biểu đạt được sự cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề. Tôi đề nghị từ “tăng cường” thay bằng từ “coi trọng”. Vì sao tôi đề xuất như vậy? Vì mọi thành công hay không thành công đều xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi thế, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vị trí số 1 và yếu tố quyết định. Hiện nay đất nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế quốc tế, chúng ta được hưởng lợi đồng thời cũng chịu nhiều thách thức, vì vậy việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cụ thể là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tầm, có trí tuệ, có đạo đức càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Về tư tưởng chỉ đạo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu là: “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết”, theo ông Bùi Điệp nên đưa ra các yếu tố “trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết” làm tư tưởng chỉ đạo. Lý giải điều này, ông cho rằng: Việt Nam đang tập hợp trí tuệ của đội ngũ trí thức, vì thế nên đưa yếu tố “trí tuệ” lên trên. “Kỷ cương” cũng là nguyên tắc rất quan trọng, không có kỷ cương thì khó làm được việc gì thành công, trước hết là kỷ cương trong Đảng.
Là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, đã từng có 20 năm làm công tác giảng dạy, quản lý giáo dục và 30 năm chỉ đạo, quan tâm đến hoạt động giáo dục ở địa phương, ông Bùi Điệp cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Một trong những nhiệm vụ được Đảng ta xác định trong 5 năm tới là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước”. Theo ông Bùi Điệp, đây chính là việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Ông đề xuất: Cốt lõi là phải khắc phục, tiến tới xóa bỏ bệnh thành tích, háo danh ở cả người dạy và người học. Đã là trường học thì học gì, thi nấy, không quá coi thi cử là áp lực lên người học. Quy trình đánh giá phải tạo ra chuẩn thực chất. Thầy phải ra thầy thì mới có trò ra trò. Việc thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các trường và sở giáo dục - đào tạo địa phương chịu trách nhiệm, không tạo thêm áp lực tuyển sinh và đánh giá kết quả của học sinh ở bậc THPT lên các trường đại học như kỳ thi “hai chung” vừa qua. Bên cạnh việc thay đổi thi cử là thay đổi sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy để giải bài toán “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay…