Đề nghị truyền hình trực tiếp nhiều hơn các phiên họp Quốc hội

10:14, 15/11/2015

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi và giám sát, nhất là khi đã có Kênh Truyền hình Quốc hội.  

Tạo điều kiện cho cử tri theo dõi, giám sát

 

Góp ý về quy định thông tin kỳ họp trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM đề nghị nên tăng các phiên họp được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát, nhất là đối với các nội dung thảo luận về các dự án luật và các nội dung quan trọng khác.

 

Trong thời gian vừa qua, phát thanh, truyền hình chủ yếu là phần thảo luận về kinh tế - xã hội và nội dung chất vấn. Cũng có một số phiên truyền hình trực tiếp khác nhưng rất ít. Nay có Kênh truyền hình Quốc hội, đại biểu đề nghị truyền hình trực tiếp nhiều hơn các phiên họp thảo luận về các dự án luật quan trọng.

 

“Qua đó để người dân theo dõi, đồng thời giám sát chất lượng của các đại biểu khi tham gia vào các dự án luật. Mặt khác qua đây cũng là một kênh tuyên truyền rất tốt để người dân có thể tham gia góp ý vào các dự án luật. Tôi đề nghị nên ghi rõ vào trong Nội quy kỳ họp về vấn đề đó”, đại biểu Tâm đề nghị.

 

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng nhấn mạnh tại Quốc hội, những vấn đề quan trọng của đất nước được quyết định, chính sách pháp luật được thông qua, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Do vậy, việc cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp hết sức cần thiết, vừa là trách nhiệm của Quốc hội, vừa là nhu cầu của người dân.

 

Theo đại biểu, trước đây, khi chưa có Kênh Truyền hình Quốc hội nên các phiên họp được truyền hình trực tiếp rất hạn chế. Bây giờ nên tăng thời lượng truyền hình trực tiếp, nhất là các phiên thảo luận về chính sách pháp luật được ban hành để áp dụng chung cho mọi người và đó cũng là một cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.

 

“Ở nhiều nước trên thế giới, phiên họp toàn thể của Quốc hội luôn được truyền hình trực tiếp trừ khi có những nội dung thuộc bí mật quốc gia. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật, đồng thời người dân có điều kiện giám sát trực tiếp những đại biểu mà mình đã bầu ra”, đại biểu Hùng nói.

 

Văn bản trả lời chất vấn cần công bố trên báo, đài

 

Về quy định chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bổ sung quyền của chủ tọa được chuyển từ hình thức chất vấn trực tiếp trên hội trường sang hình thức chất vấn theo cách khác như bằng phiếu hoặc gặp riêng, trong trường hợp đại biểu nêu câu hỏi không đúng với nội dung chất vấn đã được Quốc hội thống nhất hoặc người được chất vấn trả lời không đúng với nội dung câu hỏi, nội dung của nội dung của phiên chất vấn đó để đảm bảo thời gian.

 

Theo đại biểu, dự thảo cũng cần bổ sung quy định người được chất vấn nếu trả lời chưa hết các nội dung câu hỏi của đại biểu thì sau phiên họp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản các nội dung chưa trả lời hết.

 

“Trên thực tế có nhiều, bản thân tôi đã gặp là nhiều phiên chất vấn cảm thấy chưa trả lời hết. Người được trả lời cũng cảm thấy chưa trả lời hết thì sau phiên họp phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho đầy đủ”, đại biểu Hùng nêu quan điểm.

 

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Đỗ Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng đối với nhiều câu hỏi đã được nêu ra nhưng người được chất vấn chưa trả lời hết thì sau đó cần phải có văn bản để trả lời.

 

Văn bản trả lời đó ngoài gửi cho người trực tiếp chất vấn, đề nghị phải công bố văn bản trên các phương tiện thông tin báo, đài để cho tất cả toàn thể nhân dân theo dõi, giám sát./.