Góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

18:18, 27/11/2015

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, cùng dựa lưng vào dãy Trương Sơn, cùng chung dòng nước sông Mê Công, có đường biên giới trên 2.000km, kéo dài từ Bắc tới Nam. Từ lâu đời, nhân dân hai nước sát cánh bên nhau, đồng cam, cộng khổ, sống chết có nhau, chiến đấu chống kẻ thù chung.

Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào được nâng lên tầm cao mới, trở thành mối quan hệ đặc biệt, là tài sản vô giá, đang được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước trân trọng giữ gìn và không ngừng phát triển.

 

Năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân và dân các bộ tộc Lào cùng với các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sát cánh chung chiến hào đánh thắng kẻ thù xâm lược, kết thúc chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập nên Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 1975 cũng là năm miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam thống nhất, nhân dân hai nước Việt - Lào lại sát cánh bên nhau xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

 

Gần 30 năm qua, Việt Nam và Lào cùng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Nhân nhân hai nước phát huy truyền thống đoàn kết, dũng cảm, vượt qua nhiều thách thức, dành được những thành tựu quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đón tiếp và làm việc với các nhà lãnh đạo Cách mạng Lào như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông, hoạch định đường lối giải phóng đất nước Lào.  

 

Phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn sát cánh cùng nhân dân Lào anh em trong cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước. Tỉnh Thái Nguyên đã có trên 7.000 lượt bộ đội, thanh niên xung phong, chuyên gia các ngành sang chiến đấu, công tác trên đất nước Lào anh em, không quản gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân và dân Lào giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

 

Từ khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, cả nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội, vào những năm 1950 của thế kỷ trước, nhiều lưu học sinh của nước bạn Lào đến Thái Nguyên học tập, được nhân dân Thái Nguyên đùm bọc, giúp đỡ. Nhiều người đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương của nước bạn. Trong những năm gần đây, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Thái Nguyên tiếp tục trở thành điểm đến học tập, nghiên cứu và hợp tác của học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp của Lào. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.200 lưu học sinh, sinh viên Lào, học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trường văn hoá thuộc Bộ Công an. Theo yêu cầu đào tạo nhân lực của nước bạn Lào và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, Thái Nguyên được xác định là một trung tâm Quốc gia, đào tạo nhân lực đa ngành cho Lào. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự đối với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.

 

Cho đến hôm nay, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thuỷ chung giữa Đảng, Nhà nước và nhân hai nước, đang được tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với một số địa phương của Lào. Mối quan hệ này đã và đang được đi vào chiều sâu, phát triển khá toàn diện trên nhiều mặt: Kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo… Xuất phát từ tinh thần đó, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên được thành lập để đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh. Đây thực sự là cầu nối gắn kết tình hữu nghị và vun đắp hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai nước ngày càng bền chặt.

 

40 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chính là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước cũng như Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên cùng ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh cánh mạng, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước để tiếp tục phát triển ngày càng sâu sắc, bền vững hơn nữa.