Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thẳng thắn, không né tránh các vấn đề nổi cộm

15:13, 18/11/2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 18/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Đặc biệt, vào ngày làm việc cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm . Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

* Cử tri hài lòng với phần trả lời của Thủ tướng

 

Theo dõi buổi chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 18/11, nhiều cử tri ở Hà Nội bày tỏ sự hài lòng với những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu trong báo cáo, giải trình.

 

Cử tri Cao Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến: Mặc dù chỉ với hơn 1 giờ đồng hồ phát biểu, nhưng Thủ tướng đã đề cập khá đầy đủ những vấn đề nóng, lớn của xã hội cần được quan tâm và có hướng giải quyết như: tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và định hướng các năm tiếp theo; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như vấn đề giảm nghèo bền vững; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế...

 

Cử tri Trung bày tỏ ấn tượng với báo cáo của Thủ tướng cho rằng: tình hình kinh tế xã hội trong năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, dư nợ tín dụng tăng 14,5 - 15%, cả năm tăng trên 17%. Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra, trong đó GDP đạt trên 6,5%, khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết xã hội về phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, khẳng định giảm nghèo đa chiều là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, Thủ tướng cho biết tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11% xuống còn 4,5%, huyện nghèo giảm từ 58,3 xuống 28%. Nước ta đang có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Điều này được Thủ tướng khẳng định là thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới.

 

Tại Hải Dương, cử tri Nguyễn Đức Cải (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Dương) nhận định: Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã trả lời rất trách nhiệm, trung thực và khách quan nhìn nhận những cái được và chưa được. Tinh thần chất vấn và trả lời chất vấn trên nghị trường hết sức dân chủ, thẳng thắn. Cử tri rất mong Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến các đối tượng chính sách, những người có công, người nghèo, vùng sâu vùng xa. Câu trả lời của Thủ tướng đã giải đáp được phần nào những nguyện vọng của cử tri.

 

Cử tri mong các cơ quan có chức năng phải có biện pháp mạnh mẽ để quản lý chặt chẽ ngành của mình, trước mắt là giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay như ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Cử tri cũng rất hoan nghênh việc Quốc hội đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn. Hy vọng những kỳ họp tới, hình thức này tiếp tục được duy trì, thời gian dành cho nội dung này được tăng thêm

 

Còn cử tri Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Phần giải trình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ những nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ trong thời gian tới, trong đó huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và người dân để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với việc xác định của Chính phủ phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, lấy con người là trọng tâm, chủ thể, cử tri tin rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vững vàng và ngày càng đi lên.

 

* Không né tránh vấn đề nổi cộm

 

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Dương Trọng Hùng( cán bộ hưu trí ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) cũng có ý kiến: những câu hỏi chất vấn của các Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng khá sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trước những câu hỏi được chất vấn, Thủ tướng cũng đã trả lời một cách rõ ràng, thẳng thắn và không né tránh các vấn đề nổi cộm.

 

Cử tri Hùng đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu thu chi và kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ xấu nhằm đảm bảo an toàn tài chính. Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận, còn không ít khó khăn hạn chế, nhưng Chính phủ đã và đang chủ động mở cửa thị trường phù hợp cam kết quốc tế, gắn với nâng cao năng suất, đa dạng hóa nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, phân bổ nguồn lực trong sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi, quản lý điều hành kinh tế, phù hợp điều tiết với kinh tế thị trường, đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp và tự do kinh doanh, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh.

 

Về vấn đề biển đảo, về phát triển kinh tế biển cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhiều cử tri bày tỏ vui mừng về phần trả lời đầy nhân văn và vô cùng kiên quyết của Thủ tướng đó là: chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các cam kết khu vực. Bên cạnh đó, chúng ta tăng cường cho quốc phòng, an ninh, nâng cao công tác đối ngoại, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hòa bình và ổn định, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

 

Theo cử tri Nguyễn Xuân Bình, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện 115 (Thành phố Hồ Chí Minh), việc không giới hạn cả về đối tượng và nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp cận được nhiều vấn đề “nóng” của xã hội.

 

Đánh giá cao phần trả lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/11 về một số vấn đề như nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy trình và đối tượng đề xuất ban hành luật, cử tri Bình cho rằng với một quy trình xây dựng luật đầy đủ và dân chủ như trong trình bày của Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng là thực hiện như thế nào để ban hành được những luật giúp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ổn định đời sống của người dân.

 

Còn cử tri Khuất Minh Phương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận xét: Không khí thảo luận tại Quốc hội đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực; cách điều hành của các vị chủ tọa rất nghiêm túc, khoa học, nhiều vấn đề được trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm. So với các kỳ họp Quốc hội trước đây, các câu hỏi của các đại biểu có chất lượng. Trả lời của các Bộ trưởng cũng nâng lên về mặt trí tuệ, có thái độ tự phê.

 

Cử tri Khuất Minh Phương cũng đánh giá cao kết quả của chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trong cả nước nói chung.

 

Cùng quan điểm đó, cử tri Bon Yô Soan, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rất lớn bộ mặt nông thôn trong cả nước; cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc giảm.

 

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư còn nhiều bất cập như, nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương chưa đáp ứng được tình hình thực tế tại địa phương. Vốn đầu tư ít nhưng nhu cầu đầu tư lớn nên chưa có hiệu quả; Quá trình đầu tư của Trung ương còn dàn trại và có quá nhiều “đầu mối” dẫn đến tình trạng “chồng chéo” trong khí công tác quản lý; sự phối hợp giữa giữa các ngành, các cấp chưa chẽ nên hiệu quả chưa cao.

 

* Đổi mới hoạt động chất vấn đến kỳ họp HĐND cấp tỉnh

 

Cử tri Phan Thành Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cho biết: Kỳ họp này của Quốc hội khóa XIII lần này có rất nhiều đổi mới. Qua các chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, đặc biệt là của các Phó Thủ tướng, cử tri rất hài lòng và phấn khởi.

 

Cử tri Phan Thành Sơn rất hài lòng khi các đại biểu Quốc hội hỏi đến vấn đề nào thuộc phạm vi của ngành nào được Bộ trưởng trực tiếp trả lời ngay, qua đó đã thể hiện được năng lực của từng Bộ trưởng. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn vì các đại biểu Quốc hội mới chất vấn một phía đối với Bộ trưởng mà chưa hỏi lại địa phương về sự việc, tình hình diễn ra tại địa phương đó. Trung ương đề ra chủ trương, đề ra chính sách nhưng quản lý có hiệu quả hay không là do người thực hiện ở địa phương, nhưng đại biểu Quốc hội khi chất vấn chưa nói rõ trách nhiệm thuộc về địa phương nào, chẳng hạn như về vấn đề khai thác gỗ trái phép, khai thác cát trái phép, xử lý xe quá khổ quá tải. Do đó, cử tri mong rằng việc đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn cũng nên được triển khai tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh, có như vậy chất lượng giải quyết các vấn đề tồn đọng mới được nâng lên, những vướng mắc được xử lý rốt ráo chính xác.

 

Còn cử tri Nguyễn Ngọc Sơn - Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết các chất vấn và trả lời chất vấn lần này khiến cử tri rất hài lòng. Trước đây, các vấn đề chất vấn nằm trong phạm vi khoanh vùng và trả lời bằng văn bản nên khó đi vào trọng tâm của tính thực tiễn. Còn lần này, cách chất vấn và trả lời chéo của các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ đã chỉ rõ nhiều vấn đề một cách toàn diện hơn và làm sáng tỏ hơn các tính chất vụ việc nên cử tri rất hài lòng. Cử tri Sơn cho rằng cách chất vấn đổi mới của Quốc hội đã đòi hỏi các Bộ trưởng phải rành mạch trong trả lời chất vấn và phải có hành động ngay trong thời gian sắp tới. Theo c ử tri, tinh thần đổi mới này cần được “truyền lửa” ngay cho nhiệm kỳ tới./.