Nhìn lại 3 năm củng cố, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp

16:00, 07/11/2015

Đề án số 10-ĐA/TU ngày 8-8-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, củng cổ, phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020” đã đạt được kết quả ban đầu. Bài viết này đề cập đến công tác xây dựng Đảng trong Khối Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (còn gọi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh) - một nội dung quan trọng của Đề án.

Ít ỏi con số 4%

 

Ở thời điểm tháng 4-2012 (trước khi ban hành Đề án), toàn tỉnh có 3.305 doanh nghiệp (DN), trong đó có 83 DN nhà nước, 3.168 DN ngoài quốc doanh (DNNQD) và 20 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 3.168 DNNQD thì có đến 2/3 là DN tư nhân, gần 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

 

Số tổ chức cơ sở đảng của các DNNQD nói trên thật ít ỏi, chỉ có 129 TCCSĐ (tỷ lệ 4%). Phần lớn là TCCSĐ trong DN cổ phần hóa, nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ.

 

Nhìn vào con số TCCSĐ ít ỏi trên cho thấy công tác xây dựng tổ chức đảng trong DNNQD của tỉnh còn nhiều hạn chế. Số lượng tổ chức đảng, đảng viên, trong DN còn thấp.

 

Đánh giá về việc củng cố, phát triển TCCSĐ và các đoàn thể nhân dân trong DNNQD, Đề án nêu rõ: Các DNNQD phát triển nhanh, đa dạng về quy mô và hình thức sở hữu nhưng số DN có tổ chức đảng và đảng viên còn rất ít. Phần lớn là những chi, đảng bộ mới thành lập, chưa có mô hình tổ chức phù hợp, còn lúng túng về nội dung, phương thức hoạt động.

 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ 4% ít ỏi ở trên, nhưng nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền nơi có DN đứng chân chưa thực sự quan tâm đến công tác củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể; một bộ phận người lao động chưa thiết tha phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng, chưa kể có đảng viên, sợ bị phân biệt đối xử nên không công khai mình là đảng viên. Do chưa có tổ chức đảng, đoàn, công đoàn nên người lao động muốn phấn đấu vào Đảng gặp khó khăn. Một số nơi có tổ chức nhưng vị trí, vai trò mờ nhạt, chưa đủ sức lãnh đạo, thuyết phục, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra trong đơn vị. Như một hệ quả tất yếu, khi tổ chức đảng, đoàn sinh hoạt không đều, chất lượng sinh hoạt không cao thì đảng viên, đoàn viên ở đó ít có điều kiện học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị, từ đó tổ chức đảng cũng yếu theo.

 

Có thêm 100 TCCSĐ và 200 đảng viên đến hết năm 2015

 

Xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể trong DNNQD là rất quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, Đề án đã đặt ra 3 mục tiêu đến hết năm 2015 phải thực hiện được, đó là: Phát triển thêm 100 TCCSĐ; kết nạp từ 200 đảng viên trở lên; củng cố, phát triển trên 60% tổ chức đoàn thể; phấn đấu đến hết năm 2020, 80% DNNQD có 15 lao động trở lên thành lập được tổ chức Đảng.

 

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban và 16 thành viên, gồm lãnh đạo một số ban, ngành đã triển khai những mảng việc cụ thể, như: xây dựng chính sách đối với cán bộ nghiệp vụ chuyên trách làm công tác xây dựng Đảng trong DN; xây dựng cam kết của DN mới sẽ thành lập và hoạt động tổ chức đảng…

 

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt giải pháp tuyên truyền, thuyết phục người sử dụng lao động nhận thức: “DN có tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên thì hoạt động nền nếp hơn, người lao động yên tâm, gắn bó với DN hơn, đối tác tin tưởng hơn, từ đó doanh thu, lợi nhuận cao hơn”. Đối với DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng thì cấp ủy cấp trên tiến hành làm các thủ tục để thành lập; chuyển toàn bộ đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú nhưng làm việc ổn định về sinh hoạt Đảng tại tổ chức đảng trong DN.

 

Sau một loạt giải pháp được triển khai, tính đến ngày 30-6-2015 các con số đã thay đổi so với 3 năm trước: Tổng số tổ chức đảng trong DNNQD là 226, tăng 97 TCCSĐ (24 đảng bộ cơ sở, 44 chi bộ cơ sở, 3 đảng bộ bộ phận, 147 chi bộ trực thuộc), bằng 9,3%. Đến hết năm 2015, có thể đạt mục tiêu đề ra (100 TCCSĐ). Tuy nhiên, số lượng đảng viên lại giảm hơn 1.000 người, tương ứng với số DNNQD giảm 749 đơn vị so với năm 2012.

 

Nhìn vào thực trạng trên cho thấy Đề án số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, củng cổ, phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp” đã đạt được kết quả ban đầu khá khả quan.

 

Tuy nhiên, với trên 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần tư nhân thì mục tiêu 80% DNNQD có từ 15 lao động trở lên thành lập được tổ chức đảng là thách thức lớn đòi hỏi Ban Chỉ đạo Đề án phải có nhiều giải pháp thực tế và mạnh mẽ hơn nữa.