Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp ghi âm, nghe điện thoại bí mật… có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án tham nhũng, ma túy.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vừa trình Quốc hội thiết kế 6 điều về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp, đồng thời để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng.
Nghe lén điện thoại điều tra khủng bố, tham nhũng
Dự thảo luật quy về đối tượng, thẩm quyền áp dụng 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Các biện pháp trên được áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, dự luật quy định thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải gửi cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn và có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án; thông tin, tài liệu này chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, không được dùng vào mục đích khác; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải bị tiêu hủy kịp thời.
Ví dụ trao đổi trên mạng hay tham gia hoạt động cộng đồng có liên quan đến người khác, do đó, việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với người khác không liên quan hành vi phạm tội, không tự nguyện là vi phạm.Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng cho rằng, quy định “có đề nghị của người tố giác tội phạm, người bị hại áp dụng đối với chính họ” về lý thuyết là đúng nhưng thực tế không bao giờ tách con người này ra khỏi hoạt động chung của xã hội.
Đại biểu Khánh đề nghị quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định và giám sát các biện pháp, khung số lần tối đa áp dụng các biện pháp.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Bình, không nên quy định áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với “Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và “Có đề nghị của người tố giác tội phạm, người bị hại áp dụng đối với chính họ” vì dễ bị lợi dụng xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Thận trọng, chặt chẽ để tránh bị lợi dụng
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 6/11, ông Nguyễn Đình Quyền- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là vấn đề rất nhạy cảm, kể cả liên quan điều ước Liên Hợp Quốc và trong luật của mỗi nước vì quyền bí mật về cá nhân đã được hiến định.
“Các quốc gia khi quy định về vấn đề này người ta rất thận trọng. Chúng ta trong quá trình soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng cũng cụ thể hóa một phần Công ước của Liên Hợp Quốc liên quan tội phạm: tham nhũng, ma túy, tổ chức xuyên quốc gia. Tội phạm đó rất cần biện pháp điều tra đặc biệt, nếu không rất khó khám phá”, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết.
“Ủy ban Tư pháp rất trăn trở về biện pháp này vì khi mở ra, thực hiện có gì vi phạm liên quan quyền con người thì hậu quả rất lớn. Chúng ta quy định để vừa phúc đáp yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng có bước đi thận trọng. Do đó cụ thể như thế nào thì cần đại biểu Quốc hội góp ý thêm để hoàn thiện đến mức tối đa nhằm đáp ứng yêu cầu điều tra, khám phá tội phạm cũng như bảo đảm quyền của con người trong Hiến pháp”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.Trên quan điểm thận trọng và có bước đi phù hợp, dự thảo luật quy định rất ít tội được áp dụng biện pháp này và khi áp dụng có rất nhiều điều kiện, với sự phối hợp của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải chỉ một cơ quan.
Trong trường hợp áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm bí mật ảnh hưởng đến quyền của người không liên quan hành vi phạm tội, theo ông Nguyễn Đình Quyền, cơ quan công an có trách nhiệm giữ bí mật riêng tư, giống như khi có người tố cáo hành vi tội phạm, tham nhũng thì các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm giữ bí mật cho họ.