Thúc đẩy quan hệ đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức

14:24, 23/11/2015

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức (Federal Republic of Germany) Joachim Gauck (Giô-a-khim Gau-cơ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 24-26/11/2015. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất (1990) và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975 - 2015).  

Nằm ở Trung Âu, Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB Đức) nằm giữa lòng châu Âu, với diện tích: 357.021 km2; dân số: 80,22 triệu người; thu nhập bình quân đầu người  43.952 USD.

 

CHLB Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về GDP, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu. Các ngành công nghiệp chủ yếu là: chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Từ năm 1975 Đức là thành viên của G8.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã có tác động đến kinh tế Đức mà thiệt hại nặng nề nhất là các ngành định hướng xuất khẩu chế tạo máy và thiết bị cũng như ngành sản xuất ô tô. Tuy nhiên, Đức là một trong những quốc gia phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng kinh tế. Đến nay, CHLB Đức vẫn giữ mức tăng trưởng cao hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Nhiều ngành công nghiệp như máy móc, ô tô, điện tử, hoá chất,… đều đạt tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu cao. Các ngành công nghiệp chủ yếu là: Chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemens AG, Deusche Bank, v.v… Tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức là các công ty có quy mô vừa và nhỏ (thu hút khoảng 20 triệu lao động).

 

Phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2-3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Vùng bờ biển phía Bắc chuyên nuôi bò sữa và ngựa. Vùng chân núi Alps tập trung chăn nuôi gia cầm, lợn, bò và cừu. Dải đất màu mỡ dọc theo sườn nam vùng đất thấp là nơi gieo trồng lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc, củ cải đường, cây ăn trái, khoai tây và nho. Đức nằm trong số các nước sản xuất sữa, chế phẩm sữa và thịt nhiều nhất thế giới. Nông nghiệp ở Đức được điều tiết theo chính sách nông nghiệp của EU.

 

Dịch vụ, phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện đóng góp nhiều nhất vào GDP. Frankfurt là trung tâm tài chính lớn nhất của Đức và cũng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

 

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10 năm 2011, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác. Hai nước đã hợp tác tích cực trên các diễn đàn đa phương và quốc tế như: Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Liên minh châu Âu (ASEAN - EU).

 

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đang trên đà phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, thành lập và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.

 

Về hợp tác kinh tế, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu, bằng cả Anh và Pháp cộng lại. Đức là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 giữa hai nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng nhẹ so với 7,7 tỷ USD vào năm 2013; chín tháng đầu năm 2015 đạt 6,66 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là: điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hóa chất, dược phẩm.

 

CHLB Đức ủng hộ Liên minh châu Âu sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tính đến tháng 9 năm 2015, CHLB Đức có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án của Đức tập trung vào nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí nước; bán buôn, bán lẻ; nông, lâm nghiệp, thủy sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ…

 

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực gồm: tài chính - ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại…Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính…

 

Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề, đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như hỗ trợ xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.

 

Trong khuôn khổ chương trình “Make it in Germany” về hợp tác lao động quốc tế của Đức, giai đoạn 2013-2015, Việt Nam đã triển khai thí điểm đưa 200 điều dưỡng viên sang Đức đào tạo và làm việc (hợp đồng 3 năm sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Đức).

 

Trong hợp tác giáo dục và đào tạo, hằng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4.600 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh mỗi năm tại bang Hessen của Đức. Dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là Trường đại học Việt - Đức, được thành lập từ tháng 9 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình của đại học Đức, với sự hỗ trợ tích cực của bang Hessen (Đức) và Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD). Trường đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt xây dựng thành trường đại học tiêu biểu xuất sắc có trụ sở tại huyện Bến Cát, Bình Dương với nguồn vốn vay trị giá khoảng 200 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Vừa chuẩn bị tích cực cho việc hoàn thành, tính đến năm 2015, Trường đại học Việt - Đức đã đào tạo được gần 1.500 sinh viên; trong đó năm học mới 2015-2016 đào tạo trên 1.100 sinh viên. Đến nay, tỷ lệ sinh viên, học viên ra trường có việc làm đạt 91%. Với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, Trường đại học Việt- Đức tiếp nhận và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các trường đại học đối tác Đức. Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, trong quá trình học tập sinh viên cũng được học tiếng Đức song song. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng của Cộng hòa liên bang Đức và bằng của Trường đại học Việt - Đức, mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều cơ hội việc làm, cũng như tiếp tục đào tạo và nghiên cứu lên bậc cao hơn.

 

Cùng với hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, lĩnh vực hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước cũng phát triển tích cực. Đức hiện là đối tác lớn và hiệu quả nhất của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ... Bên cạnh quan hệ với Việt Nam ở cấp chính phủ, các bang ở Đức rất chủ động tăng cường hợp tác với Việt Nam; trong đó có thể kể đến các bang như: Brandenburg, Bayern, Mechlenburg - Vorpommern, Baden -Wurttemberg, Sachsen, Hessen, Berlin. Đặc biệt, nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2012 của Thủ hiến bang Hessen, hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác ưu tiên, tạo khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và bang Hessen và là hình mẫu cho hợp tác giữa Việt Nam với các địa phương của Đức.

 

Đến nay, ở Đức hiện có khoảng 125.000 người Việt Nam đang sinh sống, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức (với hơn 50% học sinh đỗ trung học hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức như: toán, võ thuật, thơ, văn, nhạc...).

 

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức./.