Tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết

17:12, 15/11/2015

Qua 20 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tự giác tham gia, khơi dậy nguồn lực của toàn xã hội.

Kế thừa và phát huy những kết quả quan trọng, những bài học kinh nghiệm của hai Cuộc vận động trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở ra Cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm tiếp tục huy động các nguồn lực, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 

* Tạo sự chuyển biến trong nhận thức

 

Kết quả của hai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; giữ gìn và phát huy bản săc văn hoá dân tộc. Từng cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ môi trường. Nhân dân ở mỗi khu dân cư đoàn kết phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo hương ước, quy ước của cộng đồng, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

 

Ngay từ khi phát động, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia thực hiện. Đến nay, sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động, cả nước có hơn 18 triệu/gần 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 83,83%; 75.598/111.231 khu dân cư đạt chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 67,96%.

 

Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức, lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Sinh hoạt văn hoá vừa thể hiện giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đa dạng và nâng cao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân ở tất cả các vùng, miền của đất nước. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phong trào văn hoá cơ sở được phát triển, nhân dân từ các cộng đồng dân cư đã đóng góp tạo ra cơ sở vật chất, điều kiện mới phục vụ cho cuộc sống văn hóa. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao, dân số, bảo vệ môi trường... thường xuyên được quan tâm.

 

Thực hiện các Cuộc vận động "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội”, nhiều mô hình, điển hình đã được áp dụng và nhân rộng có hiệu quả. Điển hình như: củng cố, duy trì gần 651 nghìn “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ dân phòng”; duy trì hoạt động 125 nghìn tổ hòa giải, tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn ở khu dân cư, cảm hóa giáo dục hàng nghìn người lầm lỗi trở lại hoàn lương hòa nhập cộng đồng. Qua 20 nghìn hòm thư tố giác tội phạm đặt ở các khu dân cư, nhân dân đã cung cấp cho Mặt trận và các cơ quan chức năng hàng triệu nguồn tin liên quan đến tội phạm và vi phạm trật tự xã hội, trong đó có gần 60% nguồn tin có giá trị giúp cho ngành chức nàng ngăn chặn, xử lý và bắt giữ nhiều vụ phạm tội.

 

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã được Ban vận động Cuộc vận động các cấp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp, thống nhất của Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan. Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị ở địa phương, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các cá nhân, hộ gia đình... thông qua việc hỗ trợ ngày công lao động, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vốn, giống, cây con, giúp tạo việc làm, dạy chữ, dạy nghề miễn phí. Cuộc vận động đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của các cấp Mặt trận trong cả nước. Quỹ “Vì người nghèo” đã chăm lo cho hộ nghèo ở từng cộng đồng dân cư theo 5 nội dung của Quy chế Quỹ; trong đó, tập trung giúp đỡ xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo; thăm, tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán hằng năm.

 

Từ khi phát động (tháng 9/2010) đến nay, “Quỹ vì người nghèo” ở bốn cấp đã tiếp nhận hơn 10.508 tỷ đồng. Cùng với việc tham gia ủng hộ Quỹ, Mặt trận Tổ quốc và Ban vận động “ Ngày vì người nghèo” các cấp đã vận động sự giúp đỡ bằng công lao động, hiện vật và sự đóng góp khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức, các ngành, các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cộng đồng, sự đóng góp, vươn lên của chính hộ nghèo, cả nước đã xây dựng và sửa chữa 1.415.772 căn nhà cho hộ nghèo. Cùng với vận động "Quỹ vì người nghèo”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối họp vận động để chăm lo Chương trình an sinh xã hội; phối hợp thực hiện Quyết định 167-QĐ/TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, tạo nguồn lực quan trọng để thực hiện xoá nhà ở dột nát, ổn định chỗ ở cho các hộ nghèo, tạo cơ hội cho hàng vạn hộ thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

 

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa ” đã được các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm phối hợp, tích cực thực hiện, trở thành phong trào của toàn dân, với hành động thiết thực, nổi bật là phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo; công tác xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc thương binh nặng, chăm lo gia đình liệt sĩ, thương binh, cán bộ lão thành cách mạng tại cộng đồng được triển khai tích cực. Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" các cấp từ khi phát động đến năm 2014 đã vận động được 190.863 tỷ đồng. Qua nguồn Quỹ đã giúp xây mới 343.897 căn nhà; sửa chữa 172.246 nhà; tặng 772.666 sổ tiết kiệm để chăm lo cho các hộ giạ đình chính sách. Cả nước đã có 121.047 xã phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với nước. Cùng với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước, các địa phương chăm lo tốt hơn cho 210.571 hộ người có công được hưởng chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở cùng địa bàn cư trú.

 

Các hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển ngày càng rộng khắp với nhiều phương thức đa dạng để ủng hộ, giúp đỡ những người thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với người già không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam… đã đem lại nhiều kết quả thiết thực cho gia đình và người dân…

 

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã lồng ghép một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết ây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thông qua các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của các tổ chức, vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng phong trào.

 

* Nâng cao chất lượng cuộc vận động mới

 

Nhằm phát huy, kế thừa những kết quả quan trọng và khắc phục căn bản các hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện hai Cuộc vận động thời gian qua, đồng thời đảm bảo thống nhất trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư phát triển, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Đề án và phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 

Cuộc vận động này là sự kế thừa và tích hợp những kết quả quan trọng của hai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang làm trong thời gian qua. Nội dung cơ bản của Cuộc vận động hướng đến việc phát động toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Cùng với đó, vận động toàn dân đoàn kết, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

 

Theo đó, tại khu vực nông thôn, trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vận động nhân dân tiếp tục phát huy kết quả, tích cực tham gia các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt chuẩn, Mặt trận Tổ quốc hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát huy tính sáng tạo, tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Đối với khu vực thành thị, căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, thị trấn đề xuất các tiêu chí cụ thể vận động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư (khu phố, tổ dân phố) và phường, thị trấn theo hướng đô thị văn minh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương với các tổ chức thành viên để phân công vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh. Các tổ chức thành viên cần xây dựng các mô hình tự quản, đảm nhận các việc cụ thể, hỗ trợ các gia đình cụ thể để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, mỗi địa phương chung sức xây dựng đô thị văn minh. Hằng năm, vận động các hộ gia đình đăng ký và xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của đô thị văn minh.

 

Để thực hiện cuộc vận động hiệu quả, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới công tác phối hợp với các tổ chức thành viên; nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; phối hợp rà soát, điều chỉnh các nội dung, điều kiện triển khai Cuộc vận động; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cuộc vận động với các phong trào thi đua của cả nước. Trong đó, phối hợp triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách tạo điều kiện để triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đề nghị Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững ./.