Vì tinh thần thượng tôn pháp luật

08:35, 09/11/2015

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được triển khai hiệu quả, ngày càng đạt kết quả cao hơn, Nhà nước ta đã chọn ngày 9-11 hàng năm là “Ngày Pháp luật” (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) và yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc thực hiện. Để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn nhanh đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

P.V: Đồng chí cho bạn đọc biết mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật?

 

Đ/c Nguyễn Văn Chỉnh: Ngày Pháp luật (9-11) đã được Luật PBGDPL công nhận là ngày để cả nước tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Năm 2013 là năm đầu tiên Ngày Pháp luật được tổ chức thống nhất trên cả nước và năm nay là năm thứ 3 tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật là ngày ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc tiếp tục triển khai tuyên truyền phổ biến Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Do đó, Ngày Pháp luật năm 2015 phải thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

 

P.V: Với ý nghĩa như vậy, trong Ngày Pháp luật năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có những hoạt động gì, thưa đồng chí?

 

Đ/c Nguyễn Văn Chỉnh: Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian triển khai Ngày Pháp luật năm nay được tổ chức từ ngày 5-11 đến hết tháng 11, trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 9-11. Ngày Pháp luật sẽ thực hiện những nội dung sau: Thứ nhất, tiếp tục tổ chức Ngày Pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật, góp phần tạo sự chuyển biến mới về chất trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật. Thứ hai, thông qua các hoạt động tổ chức Ngày Pháp luật, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định... quan trọng mới ban hành, liên quan thiết thực đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và của nhân dân, đồng thời giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thứ ba, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục tinh thần yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

 

Bên cạnh đó, yêu cầu của Kế hoạch là Ngày Pháp luật phải được tổ chức sâu rộng trên toàn tỉnh, chú trọng triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phát huy kết quả, kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật năm 2014; khắc phục những hạn chế, tồn tại và xác định các hoạt động triển khai phù hợp trong năm 2015, đảm bảo thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức, phù hợp với từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức và tham gia tổ chức Ngày Pháp luật của các đơn vị, tổ chức trực thuộc, sự phối kết hợp giữa các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo việc tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tới mọi tầng lớp nhân dân.

 

P.V: Để triển khai những nội dung trên, các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Ngày Pháp luật được áp dụng như thế nào nào, thưa đồng chí?

 

Đ/c Nguyễn Văn Chỉnh: Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Ngày Pháp luật dưới các hình thức, như: Hội thảo; tọa đàm; học tập tìm hiểu pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; pa nô, áp phích, tờ rơi… và các hình thức khác theo hướng dẫn phù hợp với điều kiện cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương và phù hợp với khả năng tiếp nhận của các cộng đồng dân cư sở tại.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!