Dấu ấn lịch sử của các Đại hội Đảng

15:41, 13/01/2016

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, xin điểm lại những dấu ấn lịch sử qua 11 kỳ Đại hội của Đảng, song hành cùng những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề để nhân dân ta chiến thắng trong các cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập chủ quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mùa xuân 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Xác định đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng

 

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (3/1935) họp tại phố Quan Công - Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Đảng: củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng; chống chiến tranh đế quốc. Đại hội thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về công tác phản đế đồng minh, công tác vận động các dân tộc thiểu số, về đội tự vệ, về cứu tế đỏ.

 

Đại hội là mốc son khẳng định Đảng ta đã vượt qua được những năm tháng khắc nghiệt của khủng bố trắng, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng, đưa tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

 

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới những thắng lợi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) họp tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là Đại hội đầu tiên họp ở trong nước. Đại hội đã thông qua Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Bản Báo cáo này được coi là bản Cương lĩnh mới của cách mạng Việt Nam. Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng.

 

Chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đề ra chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, đó là: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đồng thời xác định mối quan hệ mật thiết, tác động, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển của hai chiến lược cách mạng để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Đại hội còn xác định vai trò, vị trí của cách mạng mỗi miền trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976), diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong không khí thống nhất đất nước. Đại hội đã tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đại hội IV của Đảng quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Nghị quyết của Đại hội đã phản ánh được tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân ta.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982) họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời xác định rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nghiêm túc về những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đại hội phản ánh những tư duy đổi mới từng bước của Đảng đang được hình thành, nhấn mạnh nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong chặng đường trước mắt, coi ổn định tình hình kinh tế - xã hội là nhiệm vụ bức thiết nhất.

 

Đường lối đổi mới toàn diện đất nước

 

Cuộc khủng hoảng - kinh tế xã hội đòi hỏi Đảng ta phải đánh giá, nhìn nhận và phải đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác. Đại hội đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra bước đột phá lớn, toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.

 

Trước sự chuyển biến sâu sắc của tình hình thế giới, Đại hội VII của Đảng (6/1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã nêu những đặc trưng và phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cương lĩnh năm 1991 đã thể hiện những nhận thức mới của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996) đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc đổi mới. Đại hội khẳng định: sau 10 năm đổi mới, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của chặng đường đầu thời kỳ quá độ, cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Trước thềm của thiên niên kỷ mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) xác định mục tiêu chung của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ. Đại hội đánh giá sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vị trí, vai trò và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội IX của Đảng đã làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

Đại hội IX của Đảng đã bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

 

Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006), trên cơ sở tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới, khẳng định: Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, rút ra 5 bài học lớn của công cuộc đổi mới. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Đại hội đã nêu lên tám đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; tám phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1/2011) đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển về nhận thức lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành với 11 kỳ đại hội, trên cơ sở vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Đảng ta đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cả về nhận thức lý luận và hoạt động lãnh đạo thực tiễn, giành được những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI là minh chứng hùng hồn cho vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, minh chứng bằng thực tiễn lịch sử công cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội, là sự lựa chọn đúng đắn của chính nhân dân Việt Nam, sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam.