Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

09:45, 21/01/2016

Sáng 21-1, đúng 8 giờ, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chính thức khai mạc trọng thể. Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

 

Tới dự phiên khai mạc có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ. Tới dự khai mạc còn có các vị Đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 

Về dự Đại hội có 1.510 đại biểu chính thức thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng. Đoàn đại biểu Thái Nguyên tham dự Đại hội có 23 đại biểu chính thức đại diện cho 8,4 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ do đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn.

 

Nhân dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi điện chúc mừng, bày tỏ tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đại hội - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

 

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có chủ đề "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

 

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Diễn văn nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ- Kỷ cương - Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

 

Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng Đại hội.

 

Tại phiên khai mạc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, nêu rõ những tư tưởng và nội dung cốt lõi trong các văn kiện trình Đại hội. Đó là: Vững bước trên con đường đổi mới; Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

 

Báo cáo chỉ rõ: 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và đạt được những thành quả quan trọng. Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế chậm được khắc phục. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

 

Về thành tựu ba mươi năm Đổi mới, Báo cáo khẳng định: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 

Về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, Báo cáo chỉ rõ: Năm năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng, quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đối mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới...

 

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cùng với triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Nghị quyết của Đại hội trên các lĩnh vực, Báo cáo nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

 

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

 

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

 

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

 

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

 

Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

 

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn, nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XII.