“Tiếng nói Quốc hội ngày càng gần hơn với cuộc sống”

08:27, 06/01/2016

70 năm kể từ lần đầu tiên người dân Việt Nam được tự tay bỏ phiếu bầu ra những đại biểu Quốc hội ưu tú nhất (6/1/1946), trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Quốc hội không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của nhân dân và xu thế phát triển của đất nước, được đồng bào cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Yêu cầu trong tình hình mới lại tiếp tục đòi hỏi Quốc hội không ngừng khẳng định mình là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

 

Bước tiến dài trong 7 thập niên

 

Là người có 15 năm công tác ở Quốc hội, từ khóa IX tới khóa XI, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu khẳng định, trong điều kiện cực kỳ khó khăn khi 90% người dân không biết chữ, kinh tế yếu và mới giành được chính quyền, thành công của Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thể hiện sự sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng trong chắt lọc tinh hoa nhân loại về thể chế, trong thực hiện quyền của người dân bầu ra cơ quan quyền lực.

 

“Sự kiện trọng đại đó cũng cho thấy ý thức chính trị tuyệt vời của người dân. Chưa biết chữ nhưng không phải ý thức chính trị và trí tuệ kém, chọn được những người đủ đức, đủ tài cáng đáng công việc theo tín nhiệm của nhân dân”, ông Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh.

 

Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, đến khoá XIII, thể chế chính trị nước ta có bước tiến rất dài, phục vụ lợi ích nhân dân và thực tiễn đất nước qua từng giai đoạn, biểu hiện rõ nhất là hoàn thiện một bước Hiến pháp thời kỳ đổi mới – Hiến pháp 2013, đã thể hiện vai trò rất quan trọng của Quốc hội.

 

“Riêng việc thay mặt nhân dân ban hành 5 bản Hiến pháp qua các thời kỳ để thể chế hoá đầy đủ quan điểm đổi mới của Đảng, đưa luận điểm của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vào cuộc sống là thành công lớn của Quốc hội. Quốc hội cũng từng bước đổi mới mạnh mẽ để xây dựng hệ thống luật pháp ngày càng hoàn chỉnh. Hoạt động giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng chất lượng hơn”, ông Nguyễn Văn Yểu nói.

 

Chia sẻ kỷ niệm thảo luận về dự thảo Hiến pháp đầu tiên khi còn ở chiến trường Tây Nguyên, Trung tướng Đặng Quân Thuỵ - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tiếng súng, việc thảo luận vẫn rất sôi nổi, trong đó tư tưởng chủ đạo Việt Nam là nước độc lập, thống nhất, dân chủ rất được ủng hộ.

 

“Tư tưởng phải độc lập, dân chủ, thống nhất trong Hiến pháp in sâu trong lòng cán bộ chiến sĩ lúc bấy giờ. Từ thắng lợi Điện Biên Phủ đến giải phóng miền Nam tư tưởng đó càng thấm nhuần, là nguồn động viên, cổ vũ”, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết.

 

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh không dừng lại ở 30 năm khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mà chúng ta còn tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới. Hiến pháp lại đặt ra yêu cầu toàn vẹn lãnh thổ và tư tưởng đó cũng luôn được nêu cao.

 

Rồi đến 30 năm đổi mới, Quốc hội bám sát yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân để đổi mới kịp thời để ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

 

Phát huy dân chủ và làm đúng lòng dân

 

Dù có những bước đổi mới dược đồng bào và cử tri hoan nghênh, song theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội còn phải đổi mới nhiều cả về hoạt động lập pháp, giám sát tối cao cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Các Bộ luật còn chưa chi tiết nên lại phải giao Nghị định Chính phủ, rồi tiếp đến cả Theo thông tư. Điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải phấn đấu nhiều để ban hành luật không những đủ mà phải “đủ cụ thể”.

 

Giám sát tối cao của Quốc hội có sự chuyển biến rất mạnh. Do Quốc hội hoạt động một năm có 2 lần nên rất nhiều nội dung đã được thực hiện giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội và tới đây chuyển tiếp tới Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Tuy vậy, việc chất vấn sâu, đến cùng vấn đề và theo dõi các cơ quan nghiên cứu thực hiện đến đâu vẫn cần sự đổi mới nhiều hơn nữa để hoạt động này thực sự hiệu quả.

 

Trong quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, theo ông Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội phải đi sâu hơn nữa, nhất là “nắm” ngân sách, quyết ngân sách, từ đó giám sát tốt hơn việc thực hiện quản lý đối với các ngành.

 

Còn theo ông Phan Minh Tánh, qua mỗi khóa, Quốc hội đều có bước tiến. Hoạt động Quốc hội gần đây người dân trông chờ, lắng nghe bởi tiếng nói ở nghị trường gần hơn với cuộc sống.

 

Tuy vậy, “mình còn xa lắm, chưa đáp ứng được với dân đâu bởi đâu đó còn có sự bất công bằng, đồng bào còn khó khăn, tiêu cực xã hội chưa có thời kỳ nào như bây giờ…”.

 

Theo ông Phan Minh Tánh, “như thế thì trách nhiệm Quốc hội rất lớn trong luận bàn, quyết định, tạo chuyển biến để người dân tin. Đảng sửa, Quốc hội sửa tốt hơn nữa thì Tổ quốc vững bền” và trong đó điều quan trọng là phát huy dân chủ và làm đúng lòng dân.

 

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy cũng nhấn mạnh: “Nhiều vấn đề đổi mới trong Quốc hội được nhân dân nhận rõ, hoan nghênh nhưng Quốc hội không được dừng lại vì cuộc sống còn nhiều yêu cầu lắm”.

 

Nhấn mạnh vấn đề biển đảo, Trung tướng Đặng Quân Thụy khẳng định việc Quốc hội quyết định tham gia Công ước Luật biển là sáng suốt, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh. Với trách nhiệm trước nhân dân, Quốc hội cũng đã thông qua Luật biển Việt Nam và tiếp đó có những nghị quyết củng cố.

 

“Giờ tình hình mới và phức tạp. Bảo toàn lãnh thổ là thiêng liêng bởi mất bao nhiêu xương máu từ thời ông cha, các thế hệ mới giành được. Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm vấn đề biển, đảo”, Trung tướng Đặng Quân Thụy bày tỏ.

 

Còn theo ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vượt qua bao gian khó, qua 13 khoá, Quốc hội Việt Nam đã để lại những dấu son. Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên là dịp nhìn lại, tự hào, song như những câu thơ ông mới viết: “Lòng chúng ta còn biết bao thao thức/Xây pháp quyền mùa Xuân thắm nở hoa/Ước nguyện dân trọn niềm tin đổi mới/Tay trong tay cùng viết tiếp bài ca”./.