Bầu cử Đại biểu Quốc hội: Phải chống chủ nghĩa hình thức

11:12, 13/02/2016

GS Trần Ngọc Đường: “Chúng ta phải chống chủ nghĩa hình thức, cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng tổ chức bầu cử nhưng làm sao phải thực chất..."

Có thể nói, năm 2016 là năm đặc biệt, là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Điều đó đặt ra trọng trách lớn lao đối với những đại biểu dân cử.

 

Chất lượng đại biểu là yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội để mỗi quyết sách của Quốc hội đáp ứng kịp thời yêu cầu của cử tri, góp phần quan trọng vào con đường phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 

Trọng trách lớn nhất mà mỗi đại biểu Quốc hội mang theo trong hành trang làm chức năng đại biểu của mình đó là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Trong vai trò ấy, tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống. Vì thế, một trong những đòi hỏi lớn lao nhất đối với một đại biểu Quốc hội đó là gắn bó mật thiết với cử tri. Chỉ có hòa mình vào cuộc sống của cử tri, đại biểu mới có thể lĩnh hội và sáng suốt trong từng quyết định của mình tại Quốc hội.

 

Tuy nhiên, giữ mối dây liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử. Nó cần được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, có ý định sẽ tham gia hoạt động tại cơ quan dân cử.

 

Làm thế nào để người dân là người hiểu tường minh về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thực sự cần thiết. Muốn vậy, đại biểu ứng cử cần được tạo điều kiện tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Còn cử tri cũng cần được tạo điều kiện để phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong bầu cử. Theo giáo sư Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội thì đó mới là cách giúp cho cuộc bầu cử trở nên thực chất.

 

Chúng ta phải chống chủ nghĩa hình thức, cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng tổ chức bầu cử nhưng làm sao phải thực chất để người dân được thực sự đóng góp ý kiến, không ai thông minh bằng nhân dân. Người ta rất dễ đánh giá hoạt động từ phía nhà nước có thực chất hay không”, giáo sư Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.

 

Đi trọn con đường mà cử tri tin tưởng, gửi gắm. Khi mình đã gieo được niềm tin đối với cử tri thì cần phải phấn đấu, giữ gìn liên tục từng ngày, từng giờ để đáp lại lòng tin của cử tri, nếu không sẽ làm tổn thương lòng tin đó. Đó là những suy ngẫm của một đại biểu Quốc hội khóa XIII về công việc của mình. Đó cũng là những điều rất có ý nghĩa đối với những người tự ứng cử hoặc những cơ quan đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

 

Ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng nhìn lại nhiệm kỳ qua để thấy vẫn còn hình ảnh đại biểu Quốc hội chưa thực sự toàn tâm toàn ý trong hoạt động, chưa làm tròn vai trò đại diện dân cử, chưa xứng với niềm tin của cử tri để thấy việc lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ mới cần có trách nhiệm hơn.

 

“Để chuẩn bị cho đại biểu Quốc hội trong khóa XIV tới, trách nhiệm phải chuẩn bị cho nhân sự để bầu, cái chuẩn, cái chất của một con người cụ thể. Bất cứ một người nào cũng phải có chất thực sự, chúng ta phải chuẩn bị nhân sự ngay từ đầu. Đại biểu Quốc hội cơ cấu theo vùng miền, thành phần, không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng mà phải đảm bảo chất lượng về phẩm chất đạo đức, về năng lực công tác, có tình cảm và trách nhiệm đối với cử tri bầu ra mình”, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng chia sẻ.

 

Lâu nay chúng ta nói nhiều về vấn đề cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu ứng cử, sợ rằng đảm bảo tốt tiêu chuẩn này thì chưa được ưng ý điều kiện khác. Tuy nhiên quan trọng đó là cách lựa chọn vì ở mỗi thành phần, mỗi cơ cấu đều có những đại biểu rất ưu tú. Và người dân sẽ tinh ý biết được ai làm tốt hay không, ai đủ khả năng để thay mặt mình thực hiện các trọng trách trong xây dựng luật, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, tiêu chuẩn phải thực tế, sau khi trở thành đại biểu Quốc hội phát huy được chứ nếu là đại biểu Quốc hội mà trong cả nhiệm kỳ không hề phát biểu, không hề tham gia thì đó là một sự lãng phí. Bên cạnh những đại biểu mới cũng nên có những đại biểu đã có thâm niên.

 

“Hoạt động Quốc hội đòi hỏi những người càng có thâm niên càng tốt. Như vậy về tuổi cũng cố gắng đảm nhiệm từ hai khóa trở lên thì các đại biểu Quốc hội mới có kinh nghiệm và cũng coi đây là một nghề. Sau đó là các tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức làm sao cho có tỷ lệ thích hợp vì Quốc hội hiện nay bàn các lĩnh vực thì làm sao phải chọn được những người có trình độ thực sự thì mới phát biểu góp ý trong hoạch định chính sách cũng như giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến.

 

Theo dòng thời gian, nhiệm kỳ Quốc hội tiếp nối. Nhưng trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội với cử tri thì không có nhiệm kỳ. Nếu chỉ gần dân mà không mang lại lợi ích cho dân thì người đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Vì thế, đại biểu Quốc hội trước hết phải thực sự vì cử tri, vì nhân dân, có cái tâm trong sáng, có tài và có bản lĩnh. Dấu ấn nghị trường trong nhiệm kỳ mới chỉ được tạo nên bởi những đại biểu Quốc hội như thế./.