Dấu ấn nơi nghị trường

08:16, 11/02/2016

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì năm 2015 là một năm khá đặc biệt. Bởi đây là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều dự án luật, bộ luật quan trọng nhằm tiếp tục triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Với quyền năng được nhân dân tin tưởng trao cho, họ - những đại biểu tỉnh nhà đã dành hết tâm lực để làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước những vấn đề lớn của đất nước...

Trong con mắt của các bậc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đã phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện về căn bản chức năng giám sát, góp phần tích cực vào triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.

 

Nét nổi bật của Đoàn trong năm là công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới về hình thức. Các cuộc tiếp xúc cử tri được thực hiện dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tăng các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri, đồng thời kết hợp với công tác giám sát, tiếp công dân... Qua đó đã khắc phục được tình trạng “cử tri đại diện”, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, đồng thời để thu thập các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH đã phân công các vị ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri ở các địa phương ngoài đơn vị bầu cử để đảm bảo được tiếp xúc được với cử tri ở tất cả các địa phương trong tỉnh cũng như cử tri ở các địa phương. Năm 2015, Đoàn ĐBQH đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 41 cuộc tiếp xúc với sự tham gia của trên 10.400 cử tri. Bên cạnh hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp, Đoàn ĐBQH đã chủ động lấy ý kiến phản ánh bằng văn bản của các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn gửi tới kỳ họp Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị được Đoàn ĐBQH chọn lọc tiếp thu và tập hợp đầy đủ, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đồng thời giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đôn đốc, tổng hợp và theo dõi việc trả lời ý kiến, kiến nghị để báo cáo và thông tin đến cử tri được biết. Nói về hoạt động này, đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: ”Tôi cho rằng đổi mới trong công tác tiếp xúc cử tri là vấn đề cốt lõi, trọng tâm để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH. Vì thông qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân càng tin đại biểu của mình bao nhiêu thì càng chân thành bấy nhiêu. ĐBQH nắm bắt được các vấn đề đang đặt ra cho đất nước, cho tỉnh, nhờ vậy các cuộc thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng pháp luật sẽ có chất lượng...”.

 

Cũng trong năm qua, các ĐBQH tỉnh nhà đã ghi dấu ấn trong việc tham gia nhiều ý kiến thiết thực trên diễn đàn các kỳ họp. Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị cần làm rõ hơn việc thực hiện tái cơ cấu trên các lĩnh vực gắn với đổi mới về cơ chế, cần quan tâm và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, cần phân cấp cụ thể giữa Trung ương và địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cần có tiêu chí cụ thể để xác định chương trình mục tiêu Quốc gia. Còn đại biểu Trương Thị Huệ - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thì cho rằng trong những năm tới cần có chính sách hợp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa, thu hút vốn FDI như: Vấn đề nhà ở công nhân, ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, giải quyết các vấn đề về lao động sau khi nghỉ làm trong các khu công nghiệp.., đối với vấn đề nợ công và quả lý ngân sách, theo đại biểu cần có đánh giá tổng thể về vấn đề nợ công để có giải pháp cụ thể, quyết liệt để giảm nợ công gắn với trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đồng thời cần cân nhắc việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Là đại biểu nữ, tham gia nhiều ý kiến chất lượng tại các kỳ họp, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng chất lượng hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh, tai nạn giao thông chưa giảm, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, nhiều vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra liên tiếp trên các địa phương trong cả nước, Quốc hội cần bố trí thời gian hợp lý để đánh giá vấn đề trên và cần có chính sách cụ thể quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng sống, cho thanh thiếu niên; Chính phủ cần đánh giá việc quản lý bán hàng đa cấp hiện nay. Còn bàn về các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó Tư lệnh Quân Khu 1 cho rằng chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cần tính đến các nguồn lực để thực hiện cho phù hợp, cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản, xã biên giới, xã đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn…

 

Bên cạnh việc tham gia vào nội dung các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh vẫn chú trọng nhiệm vụ chính là nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Cùng với việc thực hiện giám sát theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, Đoàn còn tổ chức thực hiện được 8 cuộc giám sát trên địa bàn. Nội dung giám sát được chọn lọc từ những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội mà nhiều cử tri, dư luận xã hội quan tâm như: tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; kết quả thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO; việc thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và triển khai thi hành quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật việc làm... Có thể nói, các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH đã có tác động tích cực vào việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, làm cơ sở cho các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia giám sát tối cao tại các kỳ họp...

 

Năm 2015 đã khép lại với nhiều dư âm, lắng đọng cũng phần nào đáp ứng được niềm mong mỏi của cử tri đối với các ĐBQH tỉnh nhà. Năm 2016 đã mở ra hứa hẹn nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng, nảy lửa nơi nghị trường. Trước thềm năm mới, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Thị Huệ, cho biết: Trong chương trình hoạt động năm tới, Đoàn ĐBQH tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng luật, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, công tác giám sát được chú trọng, Đoàn dự kiến sẽ tổ chức 3 cuộc giám sát về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...