Nhớ lời Bác Hồ dặn trước lúc Người đi xa

01:17, 08/02/2016

Trong không khí đón chào năm mới Bính Thân 2016, chúng ta cùng hồi tưởng lại những ngày tháng cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm Mậu Thân 1968 và Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969, cách đây 47 năm. Đặc biệt là những lời căn dặn của Bác Hồ với toàn dân tộc trước lúc Người đi xa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) trong khóa họp lần thứ 24 tại thủ đô Pari của nước Pháp, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5 công nhận và vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”[1].

 

Sở dĩ cả thế giới, mà đại diện là UNESCO, đều thống nhất chung một nhận thức công nhận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn xứng đáng với sự tôn vinh “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất” là bởi xuất phát từ nhân cách cao quý và đạo đức mẫu mực, khoan dung, yêu nước, thương dân của Người. Ngay cả trong những năm cuối đời (năm Mậu Thân 1968 và Kỷ Dậu 1969), mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Người vẫn luôn một mực dành hết tình cảm và sự quan tâm đến đồng bào và các cháu thiếu nhi cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam và cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Tết Mậu Thân 1968, trong Thư chúc mừng năm mới gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước, Người viết: “…nhân dân ta đoàn kết một lòng…, đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Sang năm nay, …quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Nhân dịp năm mới, tôi thay mặt đồng bào và chiến sỹ ta, gửi lời chức mừng đến các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta… Với đồng bào và chiến sỹ cả nước, tôi chúc mừng năm mới như sau:

 

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”[2]

 

Năm 1968, sức  khỏe của Bác Hồ đã rất yếu, nhiều lần Người ốm nặng phải nằm viện, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến công việc của đất nước, đặc biệt là cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam chống Mỹ cứu nước. Bác Hồ thường xuyên gửi Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho những đơn vị bộ đội chiến đấu anh dũng lập công; gửi Huy hiệu của Người cho nhiều cụ già, cán bộ, chiến sỹ, nông dân, công nhân, thanh niên, học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc. Hễ có đoàn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra thăm Hà Nội, là Người đều gặp mặt, tặng quà, mời cơm và hỏi chuyện rất kỹ về tình hình miền Nam. Cứ mỗi lần được gặp gỡ các đồng bào, đồng chí miền Nam là Bác Hồ lại thấy vui hơn và khỏe ra một chút.

 

Từ năm 1965, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc để lại cho dân tộc, bản đầu tiên có tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Về sau, mỗi năm, cứ đến dịp tháng năm và kỷ niệm ngày sinh 19/5 của Người, Bác Hồ đều dành thời gian tập trung sức khỏe, tinh thần và trí tuệ để sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc. Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ kể lại trong quá trình Bác viết bản Di chúc: “Cũng như bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946; Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước năm 1966, cứ còn thời gian là Bác còn sửa chữa, thêm bớt”[3].

 

Và như chúng ta đã biết, trong bản Di chúc viết năm 1968, Bác Hồ đã sửa chữa và bổ sung thêm rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó đặc biệt có nội dung Bác căn dặn về công tác xây dựng Đảng. Bác viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi cho bộ đều ra sức làm tròm nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” [4]. Cũng trong bản Di chúc viết năm 1968, Bác còn bổ sung thêm một nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn, đó là: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Phần này, Bác đã căn dặn những điều hết sức cụ thể cần phải làm đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; đối với các liệt sỹ; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ; đối với những chiến sỹ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong; đối với phụ nữ; đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ… Cuối bản Di chúc viết năm 1968, Bác Hồ đã dành những lời lẽ tâm huyết nhất để viết những lời căn dặn vô cùng quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, nhất là đối với lãnh đạo các cấp: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[5].

 

Sang năm 1969, ngày 1/1 dương lịch, nhân dịp năm mới, như thường lệ, Bác Hồ viết Thư chúc mừng năm mới gửi tới đồng bào, chiến sỹ cả nước. Trong thư, Bác có thơ chúc:

 

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào,

Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn![6]

 

Lúc này, sức khỏe của Bác Hồ đã rất yếu, vậy mà mùng một tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969, Bác vẫn yêu cầu các đồng chí văn phòng phục vụ bố trí để Bác đến thăm chúc tết cán bộ chiến sỹ Quân chủng Phòng không – Không quân và đi đến tận đồi cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây để thăm lại nơi cách đó 5 năm Người đã tham gia trồng cây và phát động “Mùa Xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với đông đảo người dân và các đồng chí lãnh đạo địa phương. Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo địa phương: “Phải dân chủ với dân. Phải để cho dân phê bình cán bộ, đảng viên”[7]. Trong hồi ký của mình, ông Vũ Kỳ đã ghi lại cảm xúc của mình: “Tôi ngồi nhìn Bác, chăm chú nghe cuộc đối thoại giữa vị Chủ tịch nước với người dân bình thường và phát hiện ra một điều là Bác Hồ đi trồng cây nhưng đang nói chuyện “trồng người”… Mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ vẫn chăm lo chuyện trồng cây, trồng người”[8].

 

Cũng trong năm 1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, ký bút danh T.L. đăng trên Báo Nhân dân, số 5409, ngày 3/2/1969. Sau khi phân tích rất kỹ thế nào là “Chủ nghĩa cá nhân” và chỉ rõ những tác hại của “Chủ nghĩa cá nhân”, phần cuối bài viết, Bác Hồ đã căn dặn: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”[9].

 

Ngày 19/5/1969, như thường lệ Bác Hồ ngồi xem lại các bản Di chúc đã viết trước đó và sửa chữa, bổ sung một số câu chữ cho phù hợp. Không ngờ đó cũng chính là lần cuối cùng trong cuộc đời, Bác ngồi viết Di chúc và kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của mình. Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đã mãi mãi ra đi vào ngày 2/9/1969, đúng ngày mà cách đó 24 năm, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời và toàn thể dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Vậy là 47 năm đã qua đi kể từ năm Kỷ Dậu 1969, nhưng những lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vẫn còn vang vẳng đâu đây, luôn nhắc nhớ chúng ta cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

 

Xuân Bính Thân 2016 đã đến, chúng ta cùng nhớ lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa để quyết tâm xây dựng Nhà nước Việt Nam “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đưa đất nước phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới như lúc sinh thời Bác Hồ đã dành cả cuộc đời để phấn đấu cho những điều cao đẹp ấy./. 

                                                                                

--------------------------------

 

[1]. Trích mục 18.6.5, Quyển 1, Nghị quyết phiên họp khóa 24 của UNESCO tại Pari (Pháp), từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, bản dịch từ tiếng Anh, trong cuốn “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013, tr.71

[2] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 15, tr.416-417

[3] Vũ Kỳ: “Bác Hồ viết Di chúc” – Hồi ký, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội năm 2015, tr. 134-135

[4] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1999, tr. 31

[5] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1999, tr. 33

[6] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 15, tr.531

[7] Hồ Chí  Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2009, tập 10, tr. 323

[8] Vũ Kỳ: “Bác Hồ viết Di chúc” – Hồi ký, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội năm 2015, tr. 174-175

[9] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 15, tr. 547