Thời khắc sang xuân mới. Vạn vật lại bước vào một chu kỳ sinh sôi của một năm với đủ tiết: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Lòng người cũng xốn xang, háo hức, mong đợi một năm mới tràn ắp dự định mới, hy vọng mới với một niềm tin cho những thành công mới.
Niềm tin - một phạm trù khá trừu tượng những khi nói về nó có lẽ ai cũng hiểu và mong muốn nó luôn song hành với mình trong cuộc sống mưu sinh thường nhật và trong cả những ước mơ, dự định to tát của một đời người. Và, như một lẽ thường, trong thời khắc chuyển giao của đất trời, giữa tiết Đông năm cũ sang tiết Xuân năm mới, mỗi ai trong chúng ta đều có chung một dự cảm, một niềm tin về một tương lai tươi sáng, một năm mới an lành, tràn đầy hạnh phúc. Niềm tin ấy lại như được nhân lên, thăng hoa hơn bởi thành công của những năm tháng đã qua mà mỗi chúng ta phải rất nỗ lực mới có được.
Cũng chính từ niềm tin vững bền của người dân, đất và người Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua sóng cả gian lao của những năm sau chiến tranh tàn phá; chúng ta mạnh dạn và nghiêm khắc nhìn rõ những khuyết điểm, yếu kém để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước trên nhiều lĩnh vực. Để rồi sau 30 năm nhìn lại, niềm tin về một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tiến tới sánh vai với các cường quốc trên thế giới đã không còn là mong đợi mà đã là hiện thực. Kinh tế - xã hội đất nước đã thoát ra khỏi đói nghèo, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chống ngoại xâm để tiến lên theo hướng hiện đại, đủ sức cải thiện đáng kể đời sông nhân dân và bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi; vị thế quốc gia, dân tộc Việt Nam ngày càng được quốc tế coi trọng, đánh gía cao khi rất nhiều nước, trong đó có cả các cường quốc trên thế giới đã, đang đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hôm nay đây khi mà những thành công đó lại như được khẳng định vững chắc hơn qua những mục tiêu, định hướng phát triển đất nước của Đại hội lần thứ XII của Đảng, thì niềm tin của mỗi người dân vào một giai đoạn phát triển thịnh vượng của đất nước sẽ đến và đã đến từ những ngày đầu xuân mới Bính Thân này.
Cùng với cả nước, đất và người Thái Nguyên ta cũng đón chào năm mới với những niềm tin to lớn vào một thời kỳ phát triển mới, thăng hoa và bền vững hơn. Niềm tin ấy bắt nguồn từ cội rễ, bền chặt của truyền thống cách mạng vốn có, nhưng hơn bao giờ hết đó là chúng ta đã dám nghĩ, dám làm và biết cách để vượt qua khó khăn, rào cản để đưa tỉnh nhà từ một tỉnh miền núi nghèo khó trở thành một địa phương có bước phát triển nhanh chóng. Nếu không có niềm tin, sự tự tin thì không ai có thể nghĩ chỉ sau có mấy năm thôi, bộ mặt kinh tế - xã hội của Thái Nguyên đã có sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Trên địa bàn tỉnh rất nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành thông qua đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Thành phố Thái Nguyên - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt- xứng đáng tầm vóc của đô thị loại 1 và đang hướng đến là một độ thị hiện đại - là Trung tâm vùng về kinh tế - xã hội - văn hoá, khoa học kỹ thuật của vùng Việt Bắc. Tại đây các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và các trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật tiếp tục được phát triển mạnh; hệ thống các bệnh viện, trung tâm y tế đang ngày càng được đầu tư hiện đại, chuyên sâu; hạ tầng đô thị phát triển, kết nối với các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn đang được triển khai thực hiện để thành phố Thái Nguyên không những là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội mà còn là đô thị trung tâm vùng, là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Việt Bắc trong những năm tới đây.
Song hành cùng thành phố Thái Nguyên, 2 đô thị khác trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cấp và hình thành, tạo ra một cực phát triển về kinh tế - xã hội phía Nam tỉnh với rất nhiều tiềm năng và thuận lợi. Từ một vùng đất Phổ Yên thuần nông, nghèo khó, sau những năm đổi mới, nhất là những năm gần đây vùng đất này như một điều thần diệu đã trở thành một thành phố mang tên dòng Sông Công huyền thoại với cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến là những mũi nhọn đang được coi trọng đầu tư. Và mới đây, trước thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phần còn lại của huyện Phổ Yên xưa đã như một nàng “lọ lem” cựa mình biến thành nàng tiên lộng lẫy xiêm y - Thị xã Phổ Yên. Giờ đây khi mà nàng tiên tươi trẻ đó đã, đang tung cánh, mở nắp hồ lô để tiếp tục gieo những thời cơ, những may mắn cho vùng đất giàu ẩn tích, địa linh nhân kiệt, quê gốc sinh ra bậc đế vương một thời, chắc chắn sẽ tạo dựng niềm tin mới cho chúng ta nghĩ về một thành phố Phổ Yên phát triển, hiện đại trong tương lai không xa.
Thái Nguyên phát triển nhanh trong những năm gần đây đã không còn là điều phải băn khoăn, bàn cãi, mà đã là hiện thực. Niềm tin về một sự phát triển trong năm mới, giai đoạn mới cũng không bao giờ bị mờ phai. Tuy nhiên trước thềm xuân mới, trước những dự định phát triển mới của quê hương, chắc hẳn mỗi ai là người dân Thái Nguyên không khỏi có những suy tư, trăn trở. Tỉnh phát triển nhanh đó, nhưng sự tăng trưởng chủ yêu là từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Sự tăng trưởng của các cơ sở sản xuất nội tỉnh chưa nhiều. Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp của tỉnh chưa thể tiến mạnh để đủ sức là phụ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Khi mà công nghiệp phát tiển nhanh cũng kéo theo các hệ luỵ khác, những áp lực khác về môi trường sống, tệ nạn xã hội phức tạp, môi trường đứng trước sự ô nhiễm gia tăng… Đô thị phát triển, nhưng nhìn chung vẫn chưa bảo đảm đáp ứng được sự hải hoà về mỹ quan, cảnh quan; hạ tầng độ thị chưa phát triển đồng bộ với các khu dân cư nên còn tình trạng xôi đỗ, thiếu các điều kiện về cuộc sống của đô thị hiện đại như: cấp thoát nước, rác thải, các khu vui chơi giải trí … Chúng ta có thành phố tỉnh lỵ là một đô thị loại 1 với hàng chục vạn dân, một thành phố và một thị xã công nghiệp nhưng vẫn chưa có những công viên rộng rãi, hiện đại, những đại lộ, quảng trưởng, khu vui chơi giải trí, sân vận động tương xứng với sự phát triển về quy mô dân số. Đây chính là bài toán cần giải và khó giải để rồi đây trong lộ trình phát triển, Thái Nguyên trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Tầm vóc một địa phương giàu có của cả nước, có nền kinh tế phát triển như hoạch định của tỉnh ta trong giai đoạn tới là đến năm 2020 sẽ có cơ cấu kinh tế: Công nghiệp và xây dựng đạt 53%, dịch vụ 36%, còn nông, lâm, thuỷ sản chỉ chiếm 11%; GDP bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng; tỉnh ta cũng phấn đấu đến 2020 tự cân đối thu chi ngân sách …. Như vậy nền kinh tế của Thái Nguyên khi đó sẽ hướng đến là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước hoạch định lớn lao đó, mỗi người dân Thái Nguyên chắc hẳn không thiếu niềm tin vào tương lai tươi sáng đó, bởi đã từng đặt niềm tin và được chứng mục những hiện thực sống động qua sự phát triển của quê hương mình. Cùng với những nỗ lực, sáng tạo và cả táo bạo khi cần thiết của những nhà lãnh đạo địa phương, người dân Thái Nguyên sẵn lòng hưởng ứng, cống hiến và luôn tin vào những tư duy nhạy bén, khả năng đánh thức những tiềm năng của đất và người Thái Nguyên hôm nay. Dẫu còn không ít khó khăn, cản trở nhưng từ những kết quả và kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua của công cuộc đổi mới, chắc chắn một khu kinh tế Nam Thái Nguyên gồm thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình với các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghệ cao, các khu sinh thái nghỉ dưỡng, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và các khu đô thị hiện đại sẽ dần được hình thành. Cùng với đó các chương trình phát triển đô thị miền núi phía Bắc -T.P Thái Nguyên; Dự án Đô thị hai bên bờ sông Cầu; xây dựng và hình thành thị xã du lịch Núi Cốc … cũng sẽ được triển khai với những cơ sở khoa học mang tính thực tiễn và tính khả thi cao.
Để có cơ cấu kinh tế mà tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 53% và dịch vụ chiếm tới 36% như mục tiêu đã hoạch định thì ngành công nghiệp không khói (du lịch) mà tỉnh ta không thiếu tiềm năng cần được đánh thức và khai thác tối đa. Chúng ta không có những khu du lịch phát triển mạnh như một số địa phương khác trong cả nước như: Bà Nà, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); Trúc Lâm Thiền viện, Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Phong Nha, Kẻ Bàng (Quảng Bình) hay Tam Cốc Bích Động, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) … là điểm đến của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tìm đến. Nhưng, Thái Nguyên cũng có những tiềm năng du lịch, những điểm đến hấp dẫn du khách không hề thua kém nếu như được đầu tư tương xứng. Khu du lịch quốc gia hồ núi Cốc không hoang sơ huyền bí như Tam Cốc Bích Động nhưng với hàng nghìn ha mặt nước, ngót trăm hòn đảo lớn nhỏ, lại được thấm đẫm truyền thuyết về tình yêu đôi lứa - chàng Cốc nàng Công. Nếu nơi đây được đầu tư xây dựng những bảo tàng, mô hình mô phỏng, tái hiện ý tưởng về một vùng bản sắc văn hoá dân tộc bản địa, tôn vinh truyền thuyết về tình yêu lứa đôi, kết hợp với những khu vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, chắc sẽ là điểm đến của du khách gần xa. Cùng với núi Cốc, Thái Nguyên còn có các địa danh mà hiếm nơi khác có được, nó được coi như trời đất và tiền nhân đã ban tặng cho chúng ta, đó là Khu di chỉ người tiền cổ tại Mái đá Ngườm, Thần Sa (Võ Nhai). Chỉ với không gian, cảnh vật hoang sơ, kỳ bí của vùng đất này và bản sắc văn hoá cư dân bản địa cũng đủ để lôi kéo du khách đến với Thái Nguyên qua các tua du lịch tổng hợp, được kết nối với các khu du lịch trong toàn tỉnh với các điểm đến: Hồ núi Cốc (T.P Thái Nguyên); Mái đá Ngườm, Thần Sa, hang Phượng Hoàng (Võ Nhai); chùa Hang (Đồng Hỷ); Đền thờ Lưu Nhân Chú, di tích núi Văn, núi Võ (Đại Từ); đền thờ Dương Tự Minh (Phú Lương); Khu di tích lích sử quốc gia ATK (Định Hoá) … Chừng ấy thôi cũng đủ thấy tiềm năng du lịch của Thái Nguyên đa dạng và phong phú nhường nào nếu được đầu tư, tô điểm và nâng tầm các di tích, danh lam, thắng cảnh một cách tương xứng…
Tiết xuân đang về, mang hơi ấm và sức sống đến với mọi nhà. Giao thừa lặng nghe lời thì thầm, nhắn nhủ của “nàng xuân”, mỗi người chúng ta chắc chung một niềm tin và ước vọng: Đất nước, quê hương sẽ chuyển mình, vươn tới giàu có, ấm no, hạnh phúc. Niềm tin đó như được hun đúc, nhân lên trong mùa xuân có nhiều sự kiện trọng đại này của đất nước, dân tộc - xuân đầu tiên nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng./