Quốc hội Việt Nam đang hướng đến những thay đổi để thực sự phản ánh được ý kiến của người dân, xứng đáng là cơ quan đại diện của dân.
Những năm qua, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hungary – Việt Nam đã có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa Quốc hội hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Liên quan đến việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Quốc hội Hungary - Việt Nam, VOV.VN phỏng vấn ông Potápi Arpád János, Quốc Vụ khanh Văn phòng chính phủ Hungary, nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hungary - Việt Nam.
PV: Thưa ông, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hungary – Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể nào để tăng cường hợp tác Quốc hội hai nước?
Ông Potápi Arpád János : Nhóm nghị sĩ hữu nghị Hungary – Việt Nam được thành lập để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và cao hơn nữa là giữa hai nước. Các thành viên của nhóm nghị sĩ thân Việt Nam là những người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, yêu thích Việt Nam hay cũng có mối tương đồng, muốn làm được một điều gì đó cho Việt Nam.
Bản thân tôi có sự gắn bó lâu dài với Việt Nam. Tôi đã sang Việt Nam 4 lần, lần đầu tiên vào năm 1989 và lần thứ 2 năm 2011, tôi đi cùng đoàn của Ngân hàng Hợp tác xã Hungary, do Quỹ hữu nghị quan hệ hợp tác Hungary tổ chức. Tôi thấy một sự bất ngờ lớn về sự phát triển của Việt Nam. Từ năm 1989 đến 2011, tôi không thể nhận ra đất nước các bạn.
Từ năm 2011, tôi sang Việt Nam với tư cách nghị sĩ Quốc hội Hungary. Đặc biệt tháng 11/2015, với tư cách Chủ tịch nhóm nghị sĩ Quốc hội thân Việt Nam tôi đi cùng Chủ tịch Quốc hội Hungary thăm Việt Nam. Từ năm 2011 đến lần vừa rồi là cuối năm 2015 tôi đến Việt Nam, tôi cảm nhận sự phát triển của đất nước các bạn diễn ra từng ngày. Nhóm nghị sĩ chúng tôi cũng muốn làm nhiều việc để song song với sự phát triển của đất nước các bạn, đẩy mạnh quan hệ hai nước đồng hành với sự phát triển này.
PV: Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc với các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Nhóm nghị sĩ giúp Quốc hội Hungary có những chia sẻ gì giúp Việt Nam tăng cường chất lượng lập pháp và phản biện xã hội, thưa ông?
Ông Potápi Arpád János: Trong chuyến thăm chính thức vừa rồi của Quốc hội Hungary do Chủ tịch Quốc hội Hungary dẫn đầu sang thăm và làm việc với Quốc hội Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận nhiều nội dung, trong đó Nhóm Nghị sĩ thân Việt Nam của chúng tôi sẽ hỗ trợ Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng các phương thức hoạt động của các ủy ban thường xuyên và không thường xuyên của Quốc hội; cách hoạt động của Quốc hội trên nguyên tắc dân chủ; quan hệ của Quốc hội với dân chúng và các cơ quan pháp quyền khác. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Quốc hội Hungary sau thời gian xây dựng và những thay đổi, điều chỉnh. Chúng tôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm đó để phía Việt Nam tham khảo để có thể hoàn chỉnh hơn mô hình, hoạt động của các nhóm, các ủy ban của Việt Nam.
PV: Ông thấy mô hình hoạt động của Quốc hội Việt Nam hiện nay có gì bất cập và đã đưa ra ý kiến với Quốc hội Việt Nam như thế nào về vấn đề đó?
Ông Potápi Arpád János: Quốc hội Hungary hoạt động trên tinh thần dân chủ được 25 năm. Nhưng trước đó, chúng tôi cũng đã có hơn 200 năm trải qua nhiều kinh nghiệm, chuyển biến và thay đổi để hoạt động quốc hội càng phù hợp và thực tế hơn.
Quốc hội Việt Nam cũng đã hoạt động trong khoảng thời gian không phải là ngắn. Qua các cuộc làm việc, chúng tôi thấy, Quốc hội Việt Nam cũng hướng đến những thay đổi để thực sự phản ánh được ý kiến của người dân, xứng đáng là cơ quan đại diện của người dân, người dân làm chủ qua cơ quan đó.
PV: Ông đánh giá sao khi trong Quốc hội có những người đóng hai vai “vừa là thành viên Chính phủ vừa là đại biểu Quốc hội”?
Ông Potápi Arpád János: Trước năm 2014, Quốc hội Hungary cho phép nghị sĩ Quốc hội vẫn là lãnh đạo của các chính quyền chủ quản. Bản thân tôi, ở thành phố Bonhat tôi cũng vừa đảm nhiệm là nghị sĩ, vừa là thị trưởng thành phố 12 năm.
Ở Hungary, từ năm 2014 chúng tôi thông qua qui định là Nghị sĩ Quốc hội không được đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo chính quyền chủ quản ở địa phương. Nhưng trong Quốc hội vẫn có nhiều nghị sĩ là Bộ trưởng hoặc thành viên Chính phủ nhưng họ không phải là những thị trưởng, lãnh đạo của các cơ quan chủ quản ở địa phương. Chúng tôi vẫn có những trường hợp vừa là thành viên chính phủ vừa là nghị sĩ.
Quốc hội Hungary cũng chia ra nhiều tiểu ban khác nhau. Bản thân tôi, là nghị sĩ Quốc hội và cũng là Quốc vụ khanh thuộc Văn phòng Thủ tướng phụ trách vấn đề về người Hungary ở nước ngoài.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!