Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, đối với những người tự ứng cử, hiện mới là thời điểm hoàn tất và nộp hồ sơ ứng cử và người tự ứng cử không phải qua ba bước sàng lọc của cơ quan, tổ chức hay nơi cư trú, dù bây giờ đã chuẩn bị đi đến vòng hiệp thương thứ 2. Khi Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố đọc hồ sơ và nhận thấy, hồ sơ của người tự ứng cử đã hoàn chỉnh, không có khúc mắc gì, Ủy ban bầu cử sẽ chuyển hồ sơ của những người tự ứng cử tới MTTQ cùng cấp để đưa vào hiệp thương vòng 2.
Có những người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch”
Nhấn mạnh yếu tố “đủ điều kiện” của những người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng: “Theo tôi, như thế người tự ứng cử còn có điểm thuận lợi hơn so với người được cơ quan, tổ chức giới thiệu. Và người tự ứng cử khi ấy đương nhiên cùng nhóm được giới thiệu để Mặt trận hiệp thương một cách bình đẳng”.
Theo ông Pha, quan trọng bây giờ chính là, người tự ứng cử nên cân nhắc đối chiếu với những tiêu chuẩn được Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quy định để xem xét xem mình có đủ điều kiện để ra ứng cử hay không.
“Những người tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn hãy ra ứng cử chứ đừng coi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp như một phép thử để khỏi mất thời gian cả hai phía”- ông Pha chia sẻ.
Theo Nghị quyết 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, một thực tế, đã từng có những người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” là Hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ vì ít được biết đến và ít tham gia các hoạt động tại khu dân cư nơi mình sinh sống.
“Nhiều người trong quá trình sinh sống tại khu dân cư không biết chi bộ, tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận ở đâu, gồm những ai. Đó là lý do giải thích cho việc, vì sao nhiều người tự ứng cử không đạt được 50% số cử tri tham gia Hội nghị cử tri nơi cư trú đồng tình, ủng hộ. Mà dưới 50% ý kiến đồng tình là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần 3 loại người tự ứng cử ấy ra khỏi danh sách”- ông Pha nói.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú không phải là một cuộc bầu cử, đấy chỉ như một cuộc “lấy phiếu” tín nhiệm “nhưng Mặt trận có quan niệm một khi anh không gương mẫu, không được tín nhiệm tại nơi anh cư trú thì anh không thể đại diện cho cử tri cả nước hay của một tỉnh được nên không đưa vào danh sách chính thức là vì vậy”.
Đừng coi bầu cử ĐBQH như “phép thử” dân chủ
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XIV rất rõ ràng như tỷ lệ nữ bao nhiêu, trẻ bao nhiêu, dân tộc thiểu số bao nhiêu… Vậy người tự ứng cử thuộc cơ cấu nào trong nghị quyết này? Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, kể cả ĐBQH, ĐBHĐND thì trong UBTVQH cũng như thường trực UBND các cấp người ta cũng không có cơ cấu người tự ứng cử nhưng trong quá trình tiến hành công tác bầu cử thì luôn xuất hiện những người tự ứng cử và việc tự ứng cử này dù không có trong cơ cấu (ở các cơ quan thuộc Trung ương) cũng không ảnh hưởng gì đến người tự ứng cử.
“Tôi cho rằng nếu luật quy định thì là điều tốt nhưng hiện nay luật chưa quy định và người ta chỉ dự kiến những cơ quan tổ chức đơn vị nhưng quá trình bầu cử người tự ứng cử sau khi đã đầy đủ điều kiện rồi thì cũng bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử”- ông Pha nói.
Nhấn mạnh về sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha khẳng định: “Đương nhiên là phải bình đẳng, không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử”.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Luật đã định, các địa phương phải giới thiệu, bao gồm số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu để đến hiệp thương lần thứ 3 qua biểu quyết bằng giơ tay hoặc biểu quyết bằng phiếu kín có thể lựa chọn được đủ số dư. “Trong lựa chọn số đông như thế rõ ràng có người tự ứng cử chứ không phải vì không có cơ cấu mà loại ra”.
Ông Nguyễn Văn Pha khuyến nghị đối với người tự ứng cử phải thực sự nghiêm túc chứ không phải chỉ để thử xem dân chủ đến đâu, dân chủ thế nào. Nếu chỉ có ý định làm một “phép thử” thì không nên tự ứng cử. Làm thế chỉ mất thời gian của MTTQ các cấp và các cơ quan.
“Vấn đề là người tự ứng cử phải xác định có đủ tiêu chuẩn theo Luật, và trúng cử có đủ điều kiện làm đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân như mình đã hứa hay không”.-ông Nguyễn Văn Pha nói./.