Nhìn từ hoạt động thực tiễn

14:53, 22/03/2016

Việc xem xét và thông qua các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp là một trong những hoạt động quan trọng của HĐND, có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề khác của địa phương. Để phát huy "quyền năng" được giao, trong nhiệm kỳ vừa qua, các ban của HĐND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động này.

Bài 3: Để các cơ ché, chính sách sát với thực tế

 

Báo cáo thẩm tra có tính phản biện

 

Mỗi kỳ họp, số lượng báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết được xem xét thông qua rất lớn, điều này tỷ lệ thuận với khối lượng công việc các ban phải thẩm tra. Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ vừa qua các ban của HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra đối với 280 báo cáo, quy hoạch, đề án, trong đó có 170 tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh.

 

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chia sẻ: Để thực hiện chức năng là "ban giám khảo", thẩm tra đúng, trúng và có những nhận định, đánh giá mang tính phản biện cao, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo chuyên trách các ban nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để xác định và phân loại nội dung thẩm tra. Các vấn đề trình tại kỳ họp thường có phạm vị rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên để có cái nhìn thấu đáo, các ban HĐND tỉnh thường xuyên tham khảo ý kiến của những người am hiểu về nội dung thẩm tra như các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo công tác ở các sở, ngành, các địa phương lân cận hoặc tại các bộ, ngành Trung ương để hiểu sâu, cụ thể và chính xác hơn nội dung thẩm tra. Tùy vào vấn đề cụ thể, các ban có thể tổ chức làm việc với ngành chuyên môn trước khi thẩm tra hoặc tổ chức khảo sát, tham vấn ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của Nghị quyết...

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội dẫn chứng ví dụ khi thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định mức chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia quản lý và hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên tại các trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (năm 2013), Ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, mời các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND, một số cơ quan chuyên môn cùng tham dự... làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo, ban quản lý các trung tâm học tập cộng đồng, UBND các xã, phường, thị trấn để tìm hiểu về hoạt động của các trung tâm, những khó khăn hạn chế,... Sau khi nắm bắt được những thông tin mang tính thực tế, các ban đã thống nhất đề xuất, kiến nghị với HĐND tỉnh quyết định: ngoài mức chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ quản lý tại các trung tâm học tập cộng đồng còn hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho 55 xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27-10-2008 của Bộ Tài chính.

 

Nhiệm kỳ vừa qua, các Ban HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao trong công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết, các đồng chí lãnh đạo chuyên trách các ban cùng thành viên ban luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sắp xếp công việc và đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ  các quy định của pháp luật về lĩnh vực, nội dung dự thảo các nghị quyết trình tại các kỳ họp. Đặc biệt, các Ban HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn, các địa phương, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để nắm bắt nguyện vọng, ý chí của người dân, từ đó xem xét thấu đáo tính khả thi, sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống của những cơ chế, chính sách đã tham mưu để HĐND quyết nghị.

 

Nghị quyết, chủ trương sát với thực tế

 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, do có sự quan tâm thực hiện công tác thẩm tra các văn kiện trình tại các kỳ họp nên phần lớn các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đã thể chế hóa và vận dụng đúng đắn các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, khi triển khai thực hiện đã có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng: Kết quả công tác thẩm tra được thể hiện bằng báo cáo thẩm tra của các ban trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Báo cáo phải nêu bật được kết quả, những hạn chế tồn tại; đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với các nội dung đã thẩm tra. Trong đó nêu rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau, nội dung nào cần tiếp tục thảo luận để bổ sung hoàn chỉnh… Trường hợp nội dung đề án chuẩn bị chưa đủ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn thì Ban mạnh dạn kiến nghị HĐND tỉnh cho chuẩn bị lại và sẽ thông qua tại kỳ họp sau.

 

Tham dự đầy đủ các kỳ họp, đại biểu Phan Thị Thu Hằng (Đoàn T.P Thái Nguyên) nhận xét: Các báo cáo, đề án, tờ trình đều được xem xét, thẩm tra kỹ càng, thấu đáo, thể hiện trách nhiệm cao cũng như tinh thần làm việc nghiêm túc của các ban HĐND tỉnh. Vấn đề đưa ra có tính phản biện cao, cho thấy sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, các góp ý, đề xuất bổ sung cũng rất phù hợp, đi vào những vấn đề cụ thể, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực thiết yếu khác của địa phương. Đại biểu Chu Thị Thúy Hà (Đoàn Định Hóa) cũng cho rằng: Qua xem xét, tôi nhận thấy các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết cơ bản đều đáp ứng được các yếu tố gồm: Căn cứ pháp lý, quy phạm pháp luật và thẩm quyền cũng như tính khả thi khi triển khai trên thực tế.

 

Người dân và đối tượng chịu ảnh hưởng cũng đánh giá cao tính xác thực và phù hợp của các quyết nghị HĐND tỉnh đã ban hành. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội, kiêm nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Bản Ngoại (Đại Từ) thông tin: Tôi được hưởng phụ cấp bằng 0,15% mức lương cơ bản do làm kiêm nhiệm từ tháng 9-2013, tuy không nhiều nhưng đó là sự hỗ trợ, động viên đáng kể. Anh Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Phú Lương cũng đánh giá cao khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đề án duy trì và mở rộng chương trình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2015-2020. Theo anh Trung, ở Phú Lương hiện có hơn 200 người nghiện ma túy đang điều trị bằng Methadone. Chương trình được đánh giá là hiệu quả vì hạn chế đáng kể số người nghiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tư và an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Có thể thấy, chất lượng thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của mỗi kỳ họp HĐND. Với tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc trong công tác thẩm tra đã giúp cho các chủ trương, quyết sách của HĐND tỉnh khi ban hành đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương.