Nhìn từ hoạt động thực tiễn

15:59, 17/03/2016

Qua đánh giá của các đại biểu HĐND và cử tri, trong nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành tốt vai trò của cơ quan dân cử ở địa phương. 5 năm qua, HĐND tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ quan quyền lực cấp tỉnh cũng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Bài 1: Giám sát chuyên đề - Nhiều bất cập được làm rõ

 

Theo đồng chí Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, có khá nhiều điểm mới trong hoạt động nhiệm kỳ qua của HĐND, trong đó không thể không kể tới hoạt động giám sát chuyên đề (hay còn gọi là giám sát trực tiếp). Qua đó, nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đã được làm rõ; đồng thời đưa ra những đề xuất, giải pháp để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan.

 

Đi vào những vấn đề “nóng”

 

Đồng chí Dương Văn Lành khá tâm đắc với nhiều cuộc khảo sát, giám sát mà Thường trực HĐND tỉnh và 4 ban HĐND tỉnh đã thực hiện trong nhiệm kỳ này. Cơ bản, các cuộc khảo sát, giám sát đều là những vấn đề có nội dung lớn, đối tượng rộng. Các báo cáo kết quả giám sát luôn tập trung đi sâu phân tích, đánh giá kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện.

 

Đồng chí Dương Văn Lành đơn cử như việc khảo sát tình hình và kết quả thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tỉnh Thái Nguyên 2014-2015. Qua khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, trên cơ sở đó đã đề nghị Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều ý kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng việc thực hiện tái cơ cấu này theo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy như: Chính phủ cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên hoặc công ty cổ phần tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện; UBND tỉnh cần làm việc với Bộ Tài chính xin chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho các công ty đã được sắp xếp lại theo phương án được phê duyệt… Hay như việc giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, bên cạnh chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã đưa ra một loạt đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương, trong đó chú trọng phát huy vai trò chủ thể là người dân; chủ động, phát huy nội lực trong nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp và các nguồn lực khác để tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới. Việc huy động sức dân cần tuân thủ nguyên tắc công khai, dân chủ, đồng thuận và đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân... Đó còn là các vấn đề: thu hút đầu tư; công tác quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất; công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

 

Nhiều điểm mới trong hoạt động

 

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chia sẻ: Cũng như các ban khác, để từng bước nâng cao chất lượng công tác giám sát, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Pháp chế đã xây dựng chương trình giám sát toàn khóa, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giám sát từng năm. Nội dung giám sát chuyên đề được tập thể Ban lựa chọn thận trọng, không dàn trải, tập trung vào những vấn đề nổi cộm ở địa phương, được cử tri quan tâm; phạm vi giám sát phù hợp với năng lực, điều kiện và cơ chế đảm bảo cho hoạt động của Ban. Đồng thời, tập thể Ban cũng thường xuyên nghiên cứu đổi mới hình thức và phương pháp giám sát; tăng cường giám sát trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng sát cơ sở hơn; đồng thời thực hiện kết hợp giữa giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp; kết hợp giữa khảo sát với giám sát; kết hợp giữa nghe báo cáo và khảo sát thực địa; chủ động yêu cầu, đôn đốc các cơ quan được giám sát chuẩn bị tài liệu để gửi đến các thành viên trong Ban nghiên cứu trước. Đối với một số nội dung giám sát đòi hỏi chuyên môn sâu, Ban phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong đoàn giám sát hoặc thành lập Tổ chuyên viên giúp việc để nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, kiểm tra khi cần thiết, tránh tình trạng các “cơ quan, đơn vị được giám sát báo cáo gì, đoàn giám sát nghe nấy”. Nhờ vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật được các cơ quan chuyên môn trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ ngay tại hội nghị giám sát.

 

Một điểm mới nữa là sau khi giám sát xong, Ban Tổ chức họp Đoàn để thảo luận và thông qua báo cáo kết quả giám sát có sự tham gia của đối tượng chịu sự giám sát để trao đổi, phản biện những nhận định, đánh giá của Đoàn giám sát, vì thế cơ bản tạo được sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện kiến nghị sau giám sát. Một số kiến nghị sau giám sát được lựa chọn báo cáo riêng với Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh để tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo... Qua đó, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các ban  HĐND tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đánh giá cao. Điều đó được minh chứng thông qua việc phần lớn các kiến nghị sau giám sát được các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét và tổ chức thực hiện.

 

Tuy nhiên, đồng chí Dương Văn Lành và đại diện một số ban HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những đổi mới và kết quả đạt được thì hoạt động giám sát trong những năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với vị trí và thực quyền của HĐND; việc thu thập thông tin phục vụ giám sát đôi khi còn phụ thuộc nhiều vào báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát; việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa được thường xuyên, liên tục, sâu sát đến cùng nên hiệu quả một số cuộc giám sát chưa cao. Những hạn chế này cần được khắc phục trong thời gian tới.