Phát huy dân chủ trong bầu cử

09:06, 27/03/2016

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành việc hiệp thương lần hai, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo.

Theo tổng hợp sơ bộ của cơ quan chuyên môn, sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã có 1.166 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 7.462 người được lập danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

 

Trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử cơ bản đáp ứng các nội dung cũng như tiến độ theo quy định. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bầu cử, nhất là các văn bản chỉ đạo về công tác hiệp thương, tuyên truyền, vận động bầu cử và bảo đảm an ninh trật tự được ban hành kịp thời. Ủy ban bầu cử các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc, tiến độ. Qua hiệp thương lần thứ hai đã lựa chọn được 17 người trong tổng số 26 người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, 147 người trong tổng số 177 người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII. Công tác tuyên truyền hướng tới hiệp thương lần thứ ba và vận động bầu cử đang được chú trọng; hoạt động kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành khẩn trương nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở; tập trung chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bầu cử.

 

Cuộc bầu cử lần này có số người tự ứng cử tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội (48 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (73 người). Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy không khí xã hội dân chủ; thể hiện sự hứng khởi của người dân, muốn đóng góp vào công việc chung của đất nước mà không bị ràng buộc, cản trở gì. Số người tự ứng cử tăng lên sẽ giúp cho Mặt trận Tổ quốc các cấp có thêm nhiều lựa chọn để qua hiệp thương sẽ giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

 

Hiện nay, công tác nhân sự đang được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

 

Sau hiệp thương lần thứ hai, từ ngày 20-3 đến 12-4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc về người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17 tháng 4. Thời gian tổ chức vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (từ 27-4 đến 21-5). Các ứng cử viên sẽ tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Khi tiếp xúc, mỗi ứng cử viên sẽ công bố chương trình hành động của mình. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với các ứng cử viên. Nếu kết thúc đợt vận động bầu cử, ai không công bố được chương trình hành động là mất lợi thế. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã và đang hướng dẫn các ứng cử viên xây dựng chương trình hành động, tránh tình trạng có những lời hứa, cam kết không phù hợp.

 

Trong từng lĩnh vực tranh cử khác nhau, người dân sẽ so sánh những ứng cử viên thông qua chương trình hành động. Người dân sẽ nhìn vào hành động, hình ảnh của từng ứng cử viên để lựa chọn đại diện cho mình. Kể cả khi có cơ cấu mà giới thiệu người không tương xứng với yêu cầu thì có thể sẽ không trúng cử. Với điều kiện cạnh tranh như hiện nay thì yêu cầu đầu tiên là phải tìm được người tài. Điều đó cũng phù hợp với xu thế phát triển. Bởi vậy, công tác bầu cử cần bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên.

 

Đây là Cuộc bầu cử lần đầu tiên được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 - đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay sau khi Hiến pháp 2013 ra đời. Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ mang tầm của một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, mà Ngày bầu cử (Chủ nhật, ngày 22-5-2016) còn là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.

 

Làm thế nào để người dân hiểu tường minh về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thực sự cần thiết. Muốn vậy, đại biểu ứng cử cần được tạo điều kiện tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Còn cử tri cũng cần được tạo điều kiện để phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong bầu cử. Đó chính là cách giúp cho Cuộc bầu cử trở nên thực chất, hiệu quả.

 

Trước đây, trong điều kiện muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ, song Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Để Quốc hội và HĐND các cấp làm tròn sứ mệnh của mình, trong Cuộc bầu cử sắp tới, toàn thể cử tri hãy làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu đông đủ và cân nhắc, lựa chọn cho được những người tiêu biểu có đủ đức, tài để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng chính là thành tố quan trọng bậc nhất để hình thành một Quốc hội mạnh, HĐND các cấp hoạt động hiệu quả cao.