Thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ

08:19, 24/03/2016

Hôm qua, 23-3 là ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, QH và Chính phủ. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).  

Báo cáo công tác nhiệm kỳ đã thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân

 

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, các cơ quan của QH; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước, nhiều đại biểu đánh giá, các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và đầy đủ; thể hiện rõ những thành tựu công việc, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua. Các báo cáo đã đưa ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc cùng những kiến nghị, đề xuất cụ thể để nhiệm kỳ mới đổi mới nội dung công tác, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Thảo luận về Báo cáo nhiệm kỳ qua của QH, nhiều đại biểu khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của QH dân chủ hơn, hiệu quả hơn, các đại biểu QH đã được bày tỏ chính kiến của mình. Các kỳ họp của QH đã đem được hơi thở của cuộc sống vào nghị trường và từ đó có những tác động quan trọng đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật, như: Phòng, chống tội phạm, bảo vệ rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Một số ý kiến nêu rõ: Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại QH được truyền hình, phát thanh trực tiếp, được các cơ quan báo chí truyền tải cụ thể, chính xác đã nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Hoạt động này cần tiếp tục được đổi mới và phát huy trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, hoạt động nhiệm kỳ qua của QH còn thể hiện những mặt hạn chế. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác, QH và các đại biểu QH chưa đeo bám quyết liệt, chưa theo đến cùng những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc và đã gửi gắm tới QH mong chờ được giải đáp, giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, QH đã bắt đầu tổ chức các đoàn giám sát những vấn đề quốc kế dân sinh, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, chưa đi sâu, chưa đi đến cùng của thực tế, còn dựa nhiều vào báo cáo. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, QH cần tăng cường hơn nữa việc giám sát các án oan sai để góp phần quan trọng giải quyết những bức xúc của nhân dân, đồng thời tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của QH.

 

Một số đại biểu nêu rõ, công tác dân nguyện của QH cần tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao vai trò của đại biểu QH và QH trong việc phản ánh, giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động này được quan tâm nhưng nhiều lúc, đại biểu QH mới chỉ đóng vai trò chuyển thư của nhân dân đến các cơ quan liên quan, còn việc tham gia giải quyết rất mờ nhạt.

 

Đối với Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nhiều đại biểu QH khẳng định: Lĩnh vực tư pháp là một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xây dựng nhiều đề án quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp và một số luật có nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp; xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tố tụng...

 

Đối với Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đặc biệt quan tâm các bài học kinh nghiệm được đúc kết và đề nghị, trong các bài học kinh nghiệm đó cần chú trọng nêu bật vai trò, vị trí quan trọng của các tầng lớp nhân dân đối với các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiệm kỳ qua, người dân cả nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần khẳng định và nhấn mạnh hơn nữa bài học kinh nghiệm về sự gần dân, trọng dân và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có những quyết sách, chính sách phù hợp. Nhiều đại biểu đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ hơn sự linh hoạt trong điều hành nền kinh tế, cần dự báo, nắm chắc và biết chớp lấy thời cơ thuận lợi để vượt qua những khó khăn, trở ngại cùng những tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới. Đồng thời, cũng cần làm rõ hơn những khó khăn trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN… Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và một số đại biểu khác cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn nữa, sâu sắc hơn nữa về thực trạng nợ công và đầu tư công trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây là vấn đề đang được nhân dân và xã hội quan tâm, nhất là các giải pháp giải quyết khó khăn, yếu kém trong lĩnh vực này thời gian tới. Việc đánh giá cụ thể tình trạng yếu kém, hạn chế trong nợ công, đầu tư công cần đi đôi với việc nêu rõ trách nhiệm cụ thể để Chính phủ trong nhiệm kỳ sau có phương hướng, chính sách phù hợp nền kinh tế đất nước.

 

Có ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đề cập chưa thỏa đáng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua trong khi các tầng lớp nhân dân rất quan tâm nội dung này. Ngoài ra, quá trình cải cách thủ tục hành chính dù đã được triển khai mạnh ở nhiều nơi nhưng trên thực tế chưa giảm nhiều, người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi đến với các cơ quan hành chính nhà nước.

 

Đối với Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước, các đại biểu QH thống nhất với những thành tựu cũng như những hạn chế của các cơ quan này trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, đáng chú ý là Tòa án cần khắc phục triệt để việc để xảy ra án oan sai; Viện Kiểm sát nhân dân cần nâng cao trách nhiệm công tố trong một số vụ án, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng thời đề nghị, các cơ quan cần có sự so sánh giữa các nhiệm kỳ để các đại biểu có cơ sở đánh giá, nhận xét khoa học và chính xác hơn.

 

Cân nhắc điều chỉnh độ tuổi trẻ em

 

Buổi chiều, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

 

Về điều chỉnh độ tuổi trẻ em hiện nay (dưới 16 tuổi) lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1), các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông) cho rằng, việc điều chỉnh này đi ngược xu thế hiện nay trên thế giới là giảm độ tuổi trẻ em, đồng thời sẽ làm mất một số quyền lợi của nhóm đối tượng được điều chỉnh độ tuổi, gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm và không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nêu quan điểm: Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; thống nhất sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác. Mặt khác, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, thể chất, tinh thần, nhận thức xã hội, ý thức pháp luật, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) cho nên cần phải được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và ứng xử xã hội để các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại. Do đó, để xóa “khoảng trống” của luật trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ người chưa thành niên, cần nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi thành dưới 18 tuổi.

 

Trước lo ngại sẽ làm tăng chi ngân sách nhà nước khi nâng độ tuổi trẻ em, một số đại biểu dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là gần 4,4 triệu người. Khi điều chỉnh độ tuổi, số người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

 

Về các hành vi bị cấm (Điều 7), một số đại biểu đề nghị bổ sung một số hành vi, như: Cung cấp dịch vụ in-tơ-nét gây hại cho trẻ em, sử dụng hình ảnh trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào mà không được sự đồng ý của cha mẹ và người giám hộ; xúi giục, kích động trẻ em vi phạm pháp luật, phạm tội… và bổ sung chế tài xử phạt. Về quyền và bổn phận của trẻ em, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) và một số đại biểu đề nghị thay cụm từ “bổn phận” thành cụm từ “trách nhiệm” và điều chỉnh những quy định còn chung chung về quyền và bổn phận trẻ em trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, sử dụng cụm từ “bổn phận trẻ em” là nhằm kế thừa các quy định đã có. Mặt khác, “trách nhiệm” là những quy định cứng, ràng buộc và yêu cầu người thành niên phải thực hiện, còn “bổn phận” thường là những quy định mang tính định hướng để giáo dục trẻ em có ý thức với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng.

 

Vai trò điều hành của Chính phủ trong các vấn đề kinh tế tại nhiệm kỳ 2011-2015 có nhiều điểm mới. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới không thuận lợi, Chính phủ đã kịp thời đề xuất với Quốc hội sửa đổi các cơ chế, chính sách, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, điều chỉnh các cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, các luật thuế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế; đẩy mạnh đổi mới, cải cách thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH…

Đại biểu BÙI ĐỨC THỤ (Lai Châu)

 

Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thông qua được khối lượng rất lớn các bộ luật, thể hiện nỗ lực lớn của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp. Nhưng việc nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều luật ban hành ra, ghi rõ có giá trị thực hiện từ ngày, tháng, năm… nhưng đến thời gian đó vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện vì các văn bản dưới luật, nghị định, thông tư chưa kịp ban hành. Điều này làm hiệu lực của luật ban hành giảm đi rất nhiều.

Đại biểu NGUYỄN ANH DŨNG (Bắc Giang)

 

Nhiệm kỳ qua, các đại biểu QH đã có điều kiện, có thời gian để phát biểu ý kiến và nói lên tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Và đây là những tiếng nói xuất phát từ thực tế cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân với tinh thần xây dựng, góp ý hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, việc phát biểu của các đại biểu QH tại hội trường đôi khi còn mang tính chất “xếp hàng đến lượt” mà thiếu sự tranh luận, thiếu phản biện, cho nên một số vấn đề, chính sách, điều luật quan trọng còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Đại biểu ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP Hồ Chí Minh)