Bảo đảm bình đẳng giữa các ứng viên khi vận động bầu cử

08:04, 27/04/2016

Để chuẩn bị tốt cho các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh về công tác tổ chức và cách thức vận động bầu cử.

PV: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp vừa được Quốc hội thông qua quy định hai hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và vận động thông qua trình bày chương trình hành động trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng chí có thể phân tích những điểm mạnh của hai hình thức này?

 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh: Trong vận động bầu cử, Luật đã quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ áp dụng hai hình thức trên, trong đó việc vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi ứng cử do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp phối hợp với UBND địa phương tổ chức.

 

Trong tiếp xúc cử tri để người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND trình bày chương trình hành động của mình thì mỗi địa phương đều tạo điều kiện tăng số lượng cử tri tới dự. Bên cạnh đó, người ứng cử có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu chương trình hành động của mình. Các địa phương đều để người ứng cử là lãnh đạo Trung ương hay người ứng cử được các cơ quan, tổ chức, hoặc người tự ứng cử đều được bình đẳng trong quá trình trình bày chương trình hành động và bình đẳng trong thời lượng vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu người ứng cử tận dụng tốt 2 hình thức này thì nhiều cử tri sẽ biết đến chương trình hành động của mình và họ có cơ sở đánh giá, cân nhắc khi bỏ phiếu.

 

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về cách thức vận động bầu cử trên mạng xã hội hiện nay?

 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh: Luật Bầu cử không cấm người ứng cử vận động bầu cử trên mạng xã hội, người ứng cử cũng có thể sử dụng phương thức này. Song mạng xã hội là kênh thông tin không chính thống, vì vậy rất dễ bị xuyên tạc, lợi dụng, thậm chí là sai lệch chủ trương, mục đích cũng như những dự định trong chương trình hành động của người ứng cử. Do đó, người ứng cử nên tận dụng hai kênh là tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và vận động thông qua trình bày chương trình hành động trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

PV: Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm vận động bầu cử thế nào để đạt hiệu quả nhất?

 

Đồng chí Nguyễn Đức Minh: Theo tôi, người ứng cử muốn cử tri hiểu rõ mình thì phải dành thời gian thích đáng cho việc tìm hiểu kỹ địa phương nơi ứng cử (vị trí, thế mạnh kinh tế - xã hội, thành phần dân tộc, tôn giáo…), đặc biệt với người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND lần đầu. Nếu không, vấn đề mình đề cập sẽ không gần gũi, gắn bó, thiết thực với cử tri nơi ứng viên ra ứng cử. Đặc biệt, trong trình bày chương trình hành động của mình, người ứng cử không hứa những điều mà mình không có cơ sở thực hiện. Mọi quyết định của Quốc hội là quyết định của tập thể nên người vận động tranh cử không thể "hứa" vào được Quốc hội, HĐND thì tôi sẽ làm luật này, ban hành chính sách kia... Quan trong là chương trình hành động phải sát thực và thể hiện được niềm tin là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!