Chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

07:34, 20/04/2016

Sáng 19-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu lần thứ VII (Ủy ban). Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia.

Kể từ khi được thành lập, Ủy ban đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều phối các hoạt động có tính chất liên ngành, liên lĩnh vực trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường nhận thức cho các cấp, các ngành, mọi người dân về ứng phó BĐKH, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi, phát triển bền vững; thể chế hóa các nội dung quan trọng về BĐKH, nước biển dâng; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép BĐKH vào trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon; xây dựng cơ chế, thể chế, triển khai thực hiện các dự án liên vùng, liên ngành ứng phó BĐKH; chú trọng bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đẩy mạnh thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng và hệ sinh thái; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên đầu tư nguồn lực vào trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về BĐKH…

 

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban đề nghị, cần coi trọng hơn nữa việc đánh giá tác động của BĐKH đối với từng ngành, địa phương. Chủ động ứng phó BĐKH gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và phải đặt nhiệm vụ ứng phó BĐKH của Việt Nam với tiến trình ứng phó BĐKH toàn cầu. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng; từng bước tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Tập trung đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng kinh tế trọng điểm để có thể phân bổ nguồn lực ứng phó hiệu quả. Phó Thủ tướng lưu ý việc phối hợp liên vùng trong ứng phó BĐKH và phải gắn nội dung này vào các chiến lược, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và đến từng dự án…

 

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nhận định, thời gian qua, công tác ứng phó BĐKH có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế như một số chính sách về ứng phó BĐKH chưa thật sự đi vào cuộc sống. Thủ tướng nêu rõ, BĐKH là một thách thức lớn đối với nước ta, yêu cầu các cấp, các ngành phải thông tin để nhân dân thấy rõ mức độ cực đoan của BĐKH và quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về ứng phó BĐKH. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước đây chúng ta có quan niệm “sống chung với lũ”, nhưng bây giờ cũng phải quan tâm cả “sống chung với hạn, mặn”. Thủ tướng nêu rõ, ứng phó BĐKH phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời nhấn mạnh tinh thần vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả BĐKH. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, cần thực hiện ứng phó BĐKH có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ sở khoa học để phát triển bền vững, phù hợp điều kiện tự nhiên; huy động sức dân, dựa vào dân để ứng phó BĐKH. Các bộ, ngành cần tính tới vấn đề BĐKH trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành. Hạn chế sử dụng công nghệ lạc hậu, phát thải nhiều, ảnh hưởng môi trường. Phải chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Kinh tế, xã hội, môi trường là tam giác phát triển, môi trường là một trục phát triển.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó BĐKH, trong đó ưu tiên cho các dự án, công trình trọng tâm như xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, củng cố nâng cấp đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, khu vực xung yếu. Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình trạng BĐKH khốc liệt, nắng hạn gay gắt thì đầu tiên phải tập trung nguồn lực bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân. Không để người dân ốm đau, bệnh tật do thiếu nước. Phải tiếp tục kiểm tra, theo dõi việc khắc phục hậu quả xâm nhập mặn, hạn hán để có biện pháp xử lý tiếp theo, chứ không chỉ “giải quyết một ít gạo, nước là xong”. Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh; nâng cao công tác dự báo; bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH.