Công dân không được tiếp cận thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
*Sáng nay (6/4), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tiếp cận thông tin với 88,64% tổng số đại biểu có mặt. Luật tiếp cận thông tin gồm 5 chương 37 điều và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.
Luật quy định về: Thông tin công dân được tiếp cận, Thông tin công dân không được tiếp cận, Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin, Phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin, Thông tin phải được công khai…
Theo UBTVQH, Hiến pháp xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Về thông tin công dân được tiếp cận, Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin gồm: thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Công dân cũng không được tiếp cận thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm cung cấp thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái, thông tin gây kỳ thị về giới. UBTVQH cho rằng thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái là nạn nhân của nạn buôn người, mại dâm... là các thông tin nếu cung cấp sẽ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Nội dung này đã được quy định nghiêm cấm cung cấp như quy định tại dự thảo Luật.
Đối với thông tin gây kỳ thị về giới, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã cho bổ sung nội dung này vào điều cấm cung cấp và thể hiện tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật.
Trước đó ngày 24/3/2016, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật tiếp cận thông tin. Nhìn chung, các ý kiến nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời cho ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể.
* Với 345/451 đại biểu có mặt biểu quyết thông qua (bằng 88,06%), sáng nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật dược (sửa đổi) với 14 chương, 116 điều. Luật này quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Luật dược bổ sung quy định nhà nước có chính sách quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích phát triển chuỗi nhà thuốc; khuyến khích đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược, tiếp cận sớm thông tin về danh sách biệt dược gốc, sinh phẩm sắp hết hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho biết đã tiếp thu ý kiến của đại biểu và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm chuẩn bị dự án Luật y dược cổ truyền. Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép bán thuốc tại siêu thị để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định bán thuốc tại siêu thị là phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
* Với 88,64% số đại biểu có mặt biểu quyết, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Trước đó ngày 22/3/2016, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.
Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT (Điều 1); về sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 2); về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (Điều 3).
* Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) với 91,30% % số đại biểu có mặt tán thành.
Luật này gồm 5 chương, 22 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế; thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu./.