Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của ủy ban Dân tộc ngày nay.
Như vậy, chỉ một năm sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập. Từ đó đến nay, trong Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc.
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, cơ quan công tác dân tộc đã có nhiều hoạt động, đóng góp xứng đáng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc cùng với nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cơ quan công tác dân tộc tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước đầu tư các chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện công tác định canh, định cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và vùng dân tộc, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết dân tộc thiểu số được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Với tỉnh Thái Nguyên, năm 2004, thực hiện Nghị định số 53 của Chính phủ, ngày 26-8-2004 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định thành lập Ban Dân tộc tỉnh. Với vị trí, chức năng được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu kịp thời với cấp ủy, chúng quyền địa phương và tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách lớn trong công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt và đạt kết quả khả quan. Đó là: Chương trình Định canh định cư: Thực hiện từ năm 1968 đến năm 2002 với tổng vốn đầu tư là 44 tỷ đồng, thực hiện các mục tiêu như: Hỗ trợ sản xuất và đời sống, trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả, mía, chè, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, 602 hộ làm mới và sửa chữa nhà, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho 108 hộ; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng là trên 30 tỷ đồng gồm: xây dựng 33 công trình thuỷ lợi, 19 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, làm mới 172 km đường giao thông, xây dựng 5.839m2 nhà lớp học, trạm y tế và nhà văn hoá, tập huấn cho 2.280 lượt người, đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho 61 thôn bản. Đến năm 2003, tỉnh ta đã hoàn thành cơ bản định canh định cư hơn 3.400 hộ thuộc diện vận động (chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Mông).
Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: Tổng kinh phí Trung ương đã cấp đến năm 2007 hơn 6 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 7 nghìn lượt hộ để mua lương thực, chăn màn và đồ dùng gia đình, sửa chữa được nhà ở…; cho hàng nghìn hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn không lãi xuất để phát triển sản xuất, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi.
Chính sách trợ giá, trợ cước vật tư nông, lâm nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi..đã thực hiện từ 1998 đến hết năm 2010 là trên 100 tỷ đồng, ngoài ra còn cấp không thu tiền thuốc chữa bệnh, giấy vở cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn...
Chương trình 135 giai đoạn I, II, III: tổng kinh phí thực hiện chương trình từ năm 1998 đến hết năm 2015 là trên 822 tỷ đồng, đã đầu tư xây dựng 1.206 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hoá, nước sinh hoạt tập trung (dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án trung tâm cụm xã, dự án ổn định sản xuất và sắp xếp, bố trí lại dân cư). Tập huấn và dạy nghề cho 65.122 học viên, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cho gần 50.000 hộ, hỗ trợ tiền ăn, dụng cụ học tập cho 58.803 lượt học sinh con hộ nghèo; hỗ trợ cho 12.191 hộ thực hiện cải thiện vệ sinh môi trường; duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư 206 công trình; hỗ trợ chuyển dân 16 hộ; hỗ trợ khai hoang đất canh tác 4,4ha; hỗ trợ hoạt động văn hoá thông tin, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật.
Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ năm 2004 đến hết năm 2015, với tổng kinh phí trên 142,56 tỷ đồng, đã hỗ trợ làm nhà ở cho 4.201 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 14.133 hộ…Đề án Phát triển KT-XH, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống; hỗ trợ phát triển sản xuất: hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ chăn nuôi trâu bò cho 148 hộ - kinh phí cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 4 tỷ đồng... Đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu: tổng kinh phí là trên 55 tỷ đồng. Hệ thống thông tin: Chi nhánh Viettel Thái Nguyên đầu tư xây dựng 1 trạm thu phát sóng tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ kinh phí gần 3 tỷ đồng phục vụ nhân dân 3 xóm Bản Tèn, Mỏ Nước, Liên Phương.
Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn từ năm 2010-2015 trên 63 tỷ đồng cho 690.744 khẩu thuộc 100 xã vùng khó khăn để ổn định cuộc sống. Triển khai cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng, đã giải quyết cho 4.041 hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển sản xuất. Ngoài ra còn cấp không thu tiền 20 loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số miền núi, với số lượng cấp là trên 6,01 triệu tờ báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số miền núi, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt chính sách đối với người uy tín,tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, tết các dân tộc thiểu số; thăm hỏi ốm đau, gia đình người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn...
Tham mưu với tỉnh trích từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ sản xuất Muối iốt phòng, chống bướu cổ cung cấp cho người dân vùng dân tộc và miền núi của tỉnh: Từ năm 2012 đến hết năm 2015 với số lượng 11.513 tấn, kinh phí trên 14 tỷ đồng...
Có thế nói, qua 70 năm thực hiện chính sách dân tộc, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống ,vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã có bước chuyển biến quan trọng, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc trong những năm gần đây giảm nhanh bình quân từ 3-4%/năm, tình hình an ninh chính trị , trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Những thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, nhiệm vụ trong những năm tới được xác định cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kinh tế cho công đồng dân cư theo vùng và đặc thù. Đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về công tác dân tộc. Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an ninh, quốc phòng, chống diễn biến hòa bình của kẻ địch, chống các hành vi lợi dụng chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc.