Kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng (24/4/1906 - 24/4/2016), TNĐT trân trọng giới thiệu bài viết "Một tấm gương kiên trung bất khuất" của Tiến sỹ Ngô Vương Anh.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), tính cách cương trực, thẳng thắn của đồng chí Hà Huy Tập được nuôi dưỡng trong truyền thống quê hương và gia đình đã sớm thôi thúc anh dấn thân trên con đường đấu tranh chống lại áp bức, bất công. Người thanh niên giàu chí khí Hà Huy Tập đã đến với cách mạng như một lôgíc tự nhiên bằng bầu máu nóng của mình rồi trở thành nhà lý luận, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng. Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí để lại một tấm gương kiên trung bất khuất.
1. Từ cuối năm 1925, đồng chí Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt[1] và có những hoạt động yêu nước hăng hái. Bị cách chức giáo viên ở Nha Trang, anh chuyển vào Nam Kỳ hoạt động trong các trường học, đồn điền, sở hỏa xa... Với sự giúp đỡ của một số nhà cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và lãnh sự quán Liên Xô tại Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập được giới thiệu sang học ở Đại học Phương Đông – đại học của những người cộng sản. Tại đây, đồng chí Hà Huy Tập được đánh giá là “một chiến sĩ tích cực của Đảng” và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong thư giới thiệu đồng chí Hà Huy Tập với đồng chí Lê Hồng Phong, ngày 10/2/1932, Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản) đã đánh giá cao về đồng chí Hà Huy Tập: “Đó là một đồng chí rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm công tác quần chúng”[2].
Được học chính quy dài hạn tại Đại học Phương Đông, đồng chí Hà Huy Tập trở thành một nhà lý luận sắc sảo, giàu tính chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương về chính trị, tư tưởng. Trong những năm ở Mátxcơva, đồng chí Hà Huy Tập đã soạn thảo và viết một số công trình về lịch sử những năm đầu thời kỳ dựng Đảng. Nổi bật là tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933). Đây là tác phẩm đầu tiên trình bày cơ bản và có hệ thống về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng từ đầu cho đến tháng 3/1933. Trong các tác phẩm của mình, đồng chí Hà Huy Tập luôn luôn tỏ rõ niềm tự hào vô hạn, tình cảm nồng nhiệt của mình đối với Đảng, đối với những hy sinh lớn lao của đảng viên và quần chúng cách mạng, khẳng định địa vị lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương với cách mạng Việt Nam. Sau khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào, đồng chí đã lãnh đạo cuộc đấu tranh lý luận trên báo chí, gắn liền với cuộc đấu tranh ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, vận động thành lập Mặt trận Đông Dương. Nhiều bài viết của đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tự hào, niềm tin cho quần chúng, đặc biệt trong những lúc cách mạng gặp bước thoái trào.
2. Đầu tháng 8/1933, đồng chí Hà Huy Tập cùng với đồng chí Nguyễn Văn Dựt và đồng chí Lê Hồng Phong quyết định triệu tập một Hội nghị vào tháng 3/1934, thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập được phân công phụ trách tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvích - cơ quan lý luận của Đảng. Hội nghị cũng quyết định xúc tiến các công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất sẽ họp vào mùa xuân năm 1935. Trong năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu đã đi Matscova tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 (1935), đồng chí Nguyễn Văn Dựt đã về Nam kỳ công tác, mọi công việc dồn lên vai Hà Huy Tập. Vừa thay đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách Thư ký Ban chỉ huy ở ngoài chỉ đạo các hoạt động của Đảng, vừa dự thảo các Văn kiện Đại hội lần thứ nhất của Đảng, vừa duy trì mối liên hệ giữa tổ chức Đảng trong nước và với Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn lao.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng và Ban Thường vụ do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký. Sau bốn năm nỗ lực khôi phục, Đảng ta đã có Ban Chấp hành Trung ương mới lãnh đạo phong trào đấu tranh. Hội nghị Trung ương, họp ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã điều chỉnh đường lối chính trị và tổ chức của Đảng cho phù hợp tình hình mới và phân công đồng chí Hà Huy Tập về nước, đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.
Từ khi về nước, đồng chí Hà Huy Tập đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực hoạt động kết nối các tổ chức Đảng ở trong nước và sớm hình thành được Ban Trung ương lâm thời. Đồng chí đã tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới. Đảng đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba Xứ ủy và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới và ở Pháp có nhiều thay đổi, tháng 3/1938, Hội nghị Trung ương do Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư nhưng vẫn tham gia Ban Thư ký và Ban Thường vụ.
Tháng 5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt và bị kết án 8 tháng tù, 5 năm quản chế. Hết hạn tù, đồng chí Hà Huy Tập bị đưa về quản thúc tại quê nhà ở Hà Tĩnh, dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ngày 30/3/1940, đồng chí Hà Huy Tập lại bị bắt và đưa về giam tại Sài Gòn. Đồng chí Hà Huy Tập đã nêu cao chí khí cách mạng kiên trung và tinh thần bất khuất trong lao tù đế quốc. Chính quyền thực dân buộc đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ” và kết án tử hình. Trước tòa, đồng chí Hà Huy Tập khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, đồng chí viết trong bức thư gửi cho gia đình: “Gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.
Ngày 28/8/1941, đồng chí Hà Huy Tập hy sinh tại trường bắn Hóc Môn cùng các đồng chí lãnh đạo trung kiên khác (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến...) với niềm vững tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng./.
*[1] Hội Phục Việt được thành lập tháng 7/1925 ở Vinh (Nghệ An). Tháng 3/1926 Hội đổi tên thành Hưng Nam. Tháng 7/1926 đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Tháng 7/1927 là Việt Nam Cách mạng thanh niên (tên gọi chung khi hai tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng và Việt Nam Cách mạng thanh niên đồng ý sát nhập). Tháng 7-1928, đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt).
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999) - Văn kiện Đảng Toàn tập, tập.4, Nxb CTQG, Hà Nội tr. 250.