Thiết thực góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh

08:42, 04/04/2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là những người đem đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tuyên truyền, giải thích để dân hiểu và cũng là người biết tổ chức, chỉ dẫn cho dân thi hành tốt đường lối đó.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân có thể tham gia quản lý Nhà nước và xã hội theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức dân chủ đại diện.

 

Công dân thực hiện quyền của mình thông qua đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Công dân thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để quản lý Nhà nước và xã hội. Khi được bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người đại biểu phải liên hệ mật thiết với cử tri, qua đó để người dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước của mình. Công dân có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan này có trách nhiệm trả lời trước dân vì những cơ quan này đều gián tiếp được nhân dân trao quyền. Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì thế nhân dân có quyền giám sát Đảng.

 

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tập trung trên 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là phải lãnh đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đảng giới thiệu những cán bộ, đảng viên ưu tú, có đủ trình độ, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” để người dân lựa chọn làm đại biểu cho mình. Từ những đại biểu trúng cử, Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục lựa chọn ra đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước ở các cấp. Như vậy là đã có sự kết hợp giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp. Những cán bộ này có trách nhiệm nặng nề, vừa mang sứ mệnh được người dân ủy quyền để quản lý họ, chịu sự giám sát của họ, song vừa phải thực hiện nhiệm vụ, thực hiện trọng trách do tổ chức Đảng ủy quyền, giao phó.

 

Với ý nghĩa đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 phải lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngay sau Đại hội nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo, quản lý xã hội, đồng thời góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XII vào cuộc sống.

 

Do bản chất của Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, bởi vậy, Đảng ta luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ hợp pháp của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội”. Cuộc bầu cử là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đại diện cho lợi ích, ý chí nguyện vọng của nhân dân, tham gia các hoạt động theo sự phân công, bảo đảm cho Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.

 

Để làm tốt công tác bầu cử, từ đó giúp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu cử, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vào cuộc sống, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử để mọi người dân hiểu rõ và hăng hái tham gia bầu cử với trách nhiệm cao. Công tác tuyên truyền cần bám sát vào kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, xây dựng kế hoạch và triển khai ở cấp mình một cách khoa học, với từng nội dung, bước đi, cách thức tiến hành cụ thể, tránh rập khuôn, máy móc nhưng cũng không qua loa, chiếu lệ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ của các thế lực thù địch, ảnh hưởng đến thành công của cuộc bầu cử. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần củng cố trận địa tư tưởng của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cấp ủy các cấp cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Thông qua việc nhắc nhở, kiểm tra, các cấp ủy đảng có sự phê bình, biểu dương, khen thưởng một cách chính xác, kịp thời, có tác dụng động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng.

 

Việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” là yêu cầu bức thiết, là đòi hỏi hết sức khách quan, đáp ứng thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện của nước ta. Chính vì vậy, tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là góp phần thiết thực vào việc xây dựng chính quyền Nhà nước ngày càng vững mạnh.