Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, nạn đói hoành hành, nhân dân ta đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, quyết định sinh mệnh chính trị của đất nước. Tại Thái Nguyên, ngày 6-1-1946 lịch sử ấy, cử tri nô nức đi bầu cử. Hòm phiếu được đặt tại chùa Phù Liễn, một địa điểm tâm linh không chỉ trước đây mà cả bây giờ.
Chùa Phù Liễn (thuộc tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) có tên chữ là Phù Liễn Tự, hoặc Phù Chân Thiền Tự, nghĩa là chùa phù trợ những điều chân chính. Đúng như tên gọi, đây là nơi nhiều người hành hương, vãng cảnh, cầu xin đức Phật ban điều tốt lành.
Tọa lạc trên quả đồi cao, chùa có nhiều cây cổ thụ, hoa lá tươi tốt. Không xa phố xá sầm uất, nhưng ngôi chùa cổ này vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, tôn nghiêm. Không chỉ có vậy, nói đến Chùa Phù Liễn là nói đến một di tích lịch sử, nơi che chở, nuôi giấu nghĩa quân của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917). Điều đặc biệt nữa, năm 1946, với vị trí vừa rộng rãi, vừa thuận tiện, kín đáo, chùa Phù Liễn đã được Ban bầu cử tỉnh chọn làm địa điểm đặt hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 1. Một trong những người làm công tác bầu cử tại đây là cụ Bùi Liên, ở tổ 1, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Sinh năm 1923, cụ Liên là pho sử sống chứng kiến và tham dự nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong tỉnh. Cụ cũng là người trực tiếp làm công tác bầu cử ngày 6-1-1946. Nhớ lại ngày trọng đại, cụ Bùi Liên kể: Dân Thái Nguyên lúc đó còn thưa thớt, chùa hoang sơ, vắng vẻ, nhưng mọi người đi bầu rất sớm với thái độ nghiêm túc, trang trọng. Công việc bầu cử diễn ra suôn sẻ, không gặp bất cứ sự cố gì.
Chùa Phù Liễn bây giờ đã khác xưa nhiều. Nhưng nhiều người vẫn nhớ, tại nơi này, lần đầu tiên nhân dân Thái Nguyên được cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội.