Dự thảo Tuyên bố của ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng tự do hàng hải trên Biển Đông

18:10, 06/05/2016

Ngày 5/5, hãng thông tấn Nhật Bản NHK tiết lộ nội dung dự thảo Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, với nội dung đáng chú ý là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông.

Dự kiến, bản dự thảo Tuyên bố chung này sẽ được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, diễn ra tại Thủ đô Vientiane của Lào vào ngày 24/5 tới.

 

Bản dự thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông, dựa trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

 

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nước ASEAN khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông. Trong hội nghị diễn ra vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung có đề cập tới nội dung tương tự. Tuy nhiên, một diễn đàn quốc phòng khu vực mở rộng được tổ chức ngay sau đó đã không thể thông qua Tuyên bố chung này do Trung Quốc yêu cầu xóa bỏ các nội dung liên quan tới vấn đề Biển Đông trong văn kiện này.

 

Trong nhiều tháng trở lại đây, tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp do các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Thực tế này đã làm dấy lên nhiều quan ngại trước các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh tại một tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giới. Những hoạt động gia tăng của Trung Quốc, trong đó có việc xây dựng các đường băng, căn cứ radar tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nước thành viên ASEAN.

 

Ngày 5/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới Vientiane nhằm tìm kiếm sự hợp tác của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong một số vấn đề quan trọng, trong đó có tương lai thịnh vượng của ASEAN. Nhân cuộc tiếp xúc tại thủ đô Vientiane, ông Kishida cũng đã khẳng định trước Thủ tướng Thongloun về “tính nghiêm trọng” của các quan hệ tranh chấp trên Biển Đông. Thủ tướng Lào Thongloun nêu rõ, với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Lào sẽ nỗ lực hết mình để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại.

 

Vào tháng 4/2016, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với ba nước ASEAN là Brunei, Campuchia và Lào về phương thức tiếp cận vấn đề trên Biển Đông. Một điểm đáng chú ý trong thỏa thuận trên cho rằng, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, và cần được giải quyết thông qua đối thoại cũng như tham vấn giữa các bên trực tiếp có liên quan.

 

Một nhà ngoại giao ASEAN nhận định, dựa trên bản thỏa thuận 4 điểm mà Trung Quốc và 3 nước thành viên ASEAN đã thông qua, thì các nước khác trong khối ASEAN sẽ “không thể” đưa ra lập trường cứng rắn... và khối ASEAN sẽ không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.

 

Kể từ năm 2013, ASEAN đã tích cực lôi kéo vai trò của Trung Quốc vào tiến trình tham vấn đề một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trong khối ASEAN đã không đạt được tiến triển trong vấn đề này do vẫn còn tồn tại nhiều lập trường khác biệt. “Trung Quốc đang kéo dài thời gian và chỉ hy vọng rằng, ASEAN sẽ bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông” – nhà ngoại giao trên cảnh báo.

 

Hiện vẫn chưa rõ bản dự thảo Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ được giữ nguyên hay có những thay đổi gì khi được công bố chính thức. Dư luận đang trông đợi vào lập trường mạnh mẽ và cách tiếp cận nhất quán của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trong vấn đề Biển Đông tại hội nghị sắp diễn ra ở Vientiane (Lào) vào cuối tháng 5/2016./.
Thu Lan