Sau hành trình dài, chúng tôi đến Đảo Tiên Nữ, cực Đông của Tổ quốc, nơi được đón ánh mặt trời sớm nhất trong ngày. Đảo là một vành đai san hô khép kín, gắn với câu chuyện huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi, mang đến bình yên cho nơi đây.
Là tuyến đầu Tổ quốc, nơi vẫn còn rất nhiều gió bão, sóng dữ, hiểm nguy rình rập, đe dọa, trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đảo Tiên Nữ đã xây đắp nên truyền thống đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, kiên trì, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó chính là hành trang của mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây, quyết tâm phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao nơi đầu sóng, ngọn gió.
Ra thăm Đảo lần này, không chỉ thăm cán bộ, chiến sỹ mà hơn 200 thành viên trong Đoàn còn vinh dự được chứng kiến lễ khởi công công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo. Công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tài trợ, dự kiến đầu tư khoảng 35 tỷ và sẽ khánh thành vào dịp 30-4 năm 2017. Khi xây dựng xong, đây sẽ là một công trình bề thế, vững chãi giữa biển khơi; cùng với khuôn viên nhà hiện có tạo thành cụm chiến đấu liên hoàn, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; góp phần tạo cho bộ đội trên đảo thêm niềm tin, chỗ dựa vững chắc, gắn bó xây dựng và bảo vệ đảo lâu dài. Nơi đây cũng sẽ trở thành nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, yên tâm bám biển và phối hợp làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khu vực quần đảo Trường Sa.
Các cán bộ trong đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ đảo Thuyền Chài A.
Theo hướng Đông - Tây Nam, chúng tôi ghé thăm đảo Thuyền Chài A. Xung quanh đảo có thềm san hô với chiều rộng khoảng 200 đến 350 m; hai đầu thu nhỏ, giữa phình to; nhìn từ xa đảo có hình dáng như một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân nên từ lâu người ta đặt tên cho đảo là Đảo Thuyền Chài. Thượng úy Lưu Ngọc Toản, chính trị viên của đảo tâm sự: Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, tổ tư vấn tình cảm của đảo đã hoạt động rất hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, tổ đã tư vấn cho 7 trường hợp cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là các chiến sỹ mới xa nhà, giúp các anh ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sỹ đã triển khai thực hiện tốt cuộc vận động của Quân chúng hải quân "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ hải quân". Sinh hoạt Đảng và các đoàn thể được cán bộ, chiến sỹ duy trì nghiêm túc. Mặc dù là đảo chìm, còn rất nhiều khó khăn xong các anh đã cố gắng khắc phục, tăng gia rau xanh, chăn nuôi lợn, gà, ngan để cải thiện đời sống.
Tới An Bang, hòn đảo nằm trong cụm khu vực 4 thuộc huyện đảo Trường Sa, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Với vị trí đó, đảo An Bang có vai trò quan trọng trong việc phát hiện từ xa, ngăn chặn hoạt động của máy bay quân sự và tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Ban đêm, nhìn từ xa, An Bang như một thành phố nhỏ lung linh trước biển.
Một góc vườn rau xanh trên đảo An Bang.
Đảo thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, sóng dữ nên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây rất kiên cường về ý chí, vững vàng về tư tưởng và có sức khỏe dẻo dai. Nằm ở vị trí tiền tiêu, khắc nghiệt nên đảo thành lập một đội quân đặc biệt, gọi là “Đội cảm tử”. Tướng Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải Quân cho biết, Đội quân này gồm những chiến sĩ rất thiện chiến về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến vào ra đảo được an toàn. Nhìn từ xa, trên bãi cát, sát với sân bay, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang chờ sẵn ở mép nước đợi xuồng của chúng tôi vào. Bất chấp những con sóng đang vỗ thẳng vào mặt, một chiến sĩ tay cầm 2 cây cờ hiệu màu đỏ hướng dẫn cho xuồng máy kéo xuồng của chúng tôi nhích dần vào bãi cát. Với khẩu lệnh “Ném dây đi!” của chỉ huy đảo, hai chiến sĩ ngay lập tức nhảy xuống nước chụp lấy sợi “dây mồi” kéo xuồng vào. Với những động tác kéo, ghì, đè dây khéo léo và thuần thục của các anh, chúng tôi vào đảo an toàn. Không khí vui vẻ, đầm ấm và những nụ cười giòn tan hiện trên khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ trẻ làm cho chúng tôi nhanh chóng hòa nhịp qua những bài hát, điệu múa, những lời tâm sự tưởng chừng như khó có thể dứt nổi. Thật trân trọng biết bao những tình cảm của các anh giành cho chúng tôi.
Dưới tán lá cây lâu năm là những vườn rau tươi tốt. Những năm gần đây, bộ đội trên đảo đã tự túc được nguồn rau xanh mà không phải phụ thuộc vào đất liền như trước đây. Đi một vòng thăm nơi ăn, chốn ở của cán bộ, chiến sĩ chúng tôi cảm nhận ngay sự ngăn nắp, gọn gàng, chính quy, sẵn sàng chiến đấu của các anh. Song, bên cạnh vẫn không thể thiếu những tấm hình của người thân, gia đình được các chiến sỹ nâng niu trân trọng để ngắm lúc dảnh dỗi cho với đi nỗi nhớ, xa cách; những con ốc biển, những bông hồng làm từ ốc và san hô thật đẹp tô điểm cho căn phòng thêm ấm áp.
Toàn cảnh Nhà giàn DK1/14.
Tạm biệt An Bang, chúng tôi tiếp tục hải trình đến Nhà giàn DK1/14. Mặc dù hải trình mấy ngày này biển khá êm đềm, song khi chiếc xuồng cập vào chân Nhà giàn, những con sóng dập dềnh vẫn liên tiếp chồm lên khiến chúng tôi mất thăng bằng, thoáng thói tim. Vậy nhưng, không phân biệt lứa tuổi, từ các anh chị ngoài 60 đến các bạn trẻ trên dưới 20 tuổi trong Đoàn đều quyết tâm lên Nhà giàn thăm các chiến sỹ. Thiếu tá Dương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14 cho biết: Nhà giàn mới được nâng cấp và sửa chữa, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Đóng tại bãi cạn Tư Chính, Nhà giàn DK1/14 là một trong những đơn vị đi đầu trên tất cả các mặt công tác của Tiểu đoàn DK1, được ví như thủ đô của các nhà giàn trong khu vực. Trung tá Hoàng Văn Khoa, Chính trị viên Nhà giàn DK1/14 bộc bạch: Mặc dù cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là sóng gió mạnh, áp thấp nhiệt đới thường xuyên, song đơn vị luôn coi trọng công tác xây dựng chính trị tư tưởng; cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn nên cao ý chí quyết tâm, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng. Thạch Hữu, dân tộc Chăm, quê Sóc Trăng, chưa đầy 10 tháng quân ngũ, có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị đã giữ liên lạc với gia đình, quan tâm động viên để đồng chí yên tâm công tác. Mới đây, nhân dịp tết của đồng bào dân tộc Khơ me, đơn vị đã tổ chức vui đón tết để kịp thời động viên Thạch Hữu vơi bớt nỗi nhớ nhà...
Rời Trường Sa và Nhà giàn DK1 thân yêu, kết thúc hải trình 9 ngày vượt trùng khơi với trên 1000 hải lý, cảm xúc trong mỗi chúng tôi thật đặc biệt. "Gởi trọn niềm tin nơi các anh" - Đó không chỉ là lời động viên của Trưởng đoàn công tác Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội khi đến với cán bộ, chiến sỹ trên đảo mà đã trở thành niềm tin mãnh liệt của mỗi thành viên trong Đoàn và sẽ nhanh chóng lan tỏa vào trong lòng đất Mẹ về sự trường tồn của Trường Sa và nhà giàn DK1, bất chấp mọi phong ba bão tố trên đại dương mênh mông.
Vùng biển nước ta có khoảng 3000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. |