Sức sống Trường Sa

17:44, 04/05/2016

May mắn cho chúng tôi, ra thăm Trường Sa lần này là dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, cũng là dịp giải phóng đảo Trường Sa lớn (đảo được giải phóng lúc 9 giờ sáng ngày 29/4/1975). Nhìn cờ hoa đỏ rực, những khuôn mặt rạng rỡ của cán bộ, chiến sỹ khi đón đoàn, chúng tôi cảm nhận nhịp sống nơi đây dường như sôi động hơn.      

Trên nền trời xanh trong, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới xác lập chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam về quần đảo Trường Sa. Trong hồi ức của những người có mặt trên đảo, sau ngày giải phóng, nơi đây chỉ là một bãi san hô, cát trắng phơi mình trong nắng gió. Từng bước một, qua hơn bốn mươi năm tiếp sức từ đất liền, màu xanh đã phủ khắp trên đảo. Nhà cửa của dân, doanh trại quân đội dần được xây dựng khang trang, hiện đại, bề thế. Sức sống trên đảo đang sinh sôi, nảy nở một cách mãnh liệt, bất chấp sự khắc nghiệt của bão táp, nắng gió. Có thể thấy rõ một màu xanh mát của cây cối, những cột đèn năng lượng mặt trời. Và kia, những hàng cột cao hơn có cánh chong chóng đang quay là tuốc bin điện chạy bằng sức gió. Xa xa, những mái nhà trên đảo nhấp nhô theo từng ngọn sóng. Cao nhất, to nhất có lẽ là cây đèn biển.

 

Sau Lễ chào cờ, viếng tượng đài liệt sỹ, đền thờ Bác Hồ, chúng tôi được cán bộ chiến sỹ đưa đi thăm quân và dân trên đảo. Đưa chúng tôi đi thăm Đảo, Trung tá Đỗ Thế Tuyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chia sẻ: Những năm gần đây, với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân nơi đây được Đảng và Nhà nước, các địa phương, đơn vị quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Hơi ấm của đất liền giúp cho cán bộ, chiến sỹ luôn yên tâm công tác, phát huy tinh thần đoàn kết, có ý chí quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Người dân thị trấn đã an cư, lạc nghiệp, cuộc sống dần ổn định. Việc học tập của các cháu được quan tâm, đảm bảo liên tục từ mẫu giáo cho đến hết lớp 5, sau đó các cháu sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp. Trò chuyện với chúng tôi, đôi vợ chồng trẻ Hưng - Hà không dấu được cảm xúc: Cũng từ đất liền ra đảo, vợ chồng em thực sự yên tâm và phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống gia đình ở chính nơi đây. Chị Nhung, Chủ tịch phụ nữ Thị trấn Trường Sa chia sẻ: Ngoài giờ hoạt động phong trào phụ nữ của Thị trấn, thời gian rảnh dỗi chị tranh thủ giúp may vá cho cán bộ chiến sỹ trên đảo không lấy tiền công. Đây cũng chính là một chút tình cảm dành cho cán bộ, chiến sỹ nơi đây bằng đôi bàn tay khéo léo của mình.

 

Cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, bà con nhân dân nơi đây đã được quan tâm, cải thiện nhiều hơn. Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ của con em nhân dân trên Đảo Trường Sa tham gia giao lưu văn nghệ với đoàn công tác.

 

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn tích cực tăng gia rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng bữa ăn cho quân dân trên đảo. Công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo được chú trọng, không có dịch bệnh xảy ra. Chỉ tính riêng năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, bệnh xá đã tiến hành khám, điều trị, cấp cứu cho 2.332 lượt bệnh nhân, trong đó có 882 ca là cán bộ, chiến sỹ, 323 ca là nhân dân và 1127 ca là ngư dân, đảm bảo sức khỏe cho quân dân trên đảo cũng như ngư dân ra đánh bắt hải sản.

 

Năm nay, cùng với kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước cũng đã được cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên Đảo hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, đúng luật. Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4, Chủ tịch Ủy ban bầu cử của huyện đảo Trường Sa cho biết: Cử tri ngoài Đảo là một trong những cử tri được thực hiện quyền bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 trước một tuần so với quy định. Hiện nay công tác chuẩn bị đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bầu cử.

 

Tiếp tục hành trình, tạm biệt cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa lớn, chúng tôi tới đảo Phan Vinh A. Cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh A đã có nhiều nhà vòm trồng rau xanh, chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ngan để chủ động cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, chiến sỹ. Những luống rau muống, rau dền, rau cải xanh mướt của cán bộ, chiến sỹ trên đảo làm chúng tôi càng thêm cảm phục về sự cố gắng khắc phục khó khăn về mọi mặt, chủ động trong cả nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cũng như sinh hoạt hàng ngày, hoàn toàn không bị phụ thuộc nơi đất liền. Không chỉ đảo Trường Sa lớn, trên đảo Phan Vinh cũng có chùa Vinh Phúc được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Trung úy Dương Tuấn Hải, người con quê hương Thái Nguyên có hơn 7 năm trong quân ngũ, gần 3 năm ra ngoài đảo, mới được chuyển về công tác tại đảo Phan Vinh A tâm sự: Được ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, bản thân Hải luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2015, anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của vùng 4 Hải quân. Cuối năm trước, được về phép, con gái đầu lòng (nay đã gần 3 tuổi) không theo bố, anh cũng chút thoáng buồn; song anh đã được vợ cùng gia đình luôn động viên để yên tâm công tác ngoài đảo. Chỉ gặp nhau một thoáng, song Hải cũng đã kịp chuẩn bị chút quà nhờ chúng tôi gửi về cho người vợ thân yêu nơi quê nhà và đứa con thứ hai của anh sắp sửa chào đời.

 

Đảo Phan Vinh A, thuộc quần đảo Trường Sa đã đầu tư được 3 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích khoảng hơn 100m2 để trồng rau xanh, chủ động phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sỹ.

 

Sau 2 tiếng đồng hồ rời đảo Phan Vinh A, chúng tôi đến đảo chìm Tốc Tan. Những ngày biển động, có thể phát hiện cụm bãi đá này từ xa nhờ sóng biển đập vào bờ san hô tung bọt trắng xóa. Công binh Hải quân đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá này 3 nhà lâu bền: Một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A); một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B); một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C). Chính trị viên đảo Trần Huy Phụng cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song anh em luôn đoàn kết, động viên lẫn nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển; ngoài ra còn có đóng góp ủng hộ các quỹ xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tuổi trẻ sáng tạo... do các tổ chức đoàn thể phát động. Tuy con số chỉ là nho nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của các chiến sỹ với đất nước, quê hương. Chiến sỹ trẻ Hoàng Công Diễn, sinh năm 1996, quê Nghệ An, mới nhận nhiệm vụ công tác trên đảo hơn 3 tháng sau khi huấn luyện một năm trên đất liền phấn chấn nói: Được ra đảo cống hiến là vinh dự lớn cho bản thân em và gia đình; bố mẹ và những người thân luôn là nguồn động viên lớn để em phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Em sẽ cố gắng rèn luyện, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ để góp sức nhỏ bé của mình bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.