Ứng cử viên đại biểu Quốc hội vận động bầu cử như thế nào?

09:12, 05/05/2016

Từng người ứng cử báo cáo cử tri về chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn...

Trao đổi cởi mở, không dùng tiền mua chuộc cử tri

 

Danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIV đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố hôm 26/4. Theo luật định, các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử ngay sau đó cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (22/5/2016 – Chủ nhật) 24 giờ.

 

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được được tiến hành qua hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

 

Với hình thức Hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

 

Tại Hội nghị này, sau khi đại diện MTTQ giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội.

 

Qua đó, cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

 

Người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

 

Nguyên tắc vận động bầu cử là tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

 

Điều 68 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND cấm: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri…

 

Tố cáo có cơ sở kết luận sẽ xóa tên người ứng cử

 

Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.

 

Theo đó, những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia.

 

Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.

 

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

 

Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội thì Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

 

Theo luật định sẽ không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo./.