Ứng cử viên là người nổi tiếng bị đòi hỏi khắt khe hơn

07:33, 10/05/2016

“Những người nổi tiếng, những người ở địa vị công tác thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có lợi thế hơn vì cử tri đã quen mặt quen tên. Nhưng cũng phải thấy đó cũng chính là áp lực của họ. Những người nổi tiếng thì bao giờ cũng bị “soi” kỹ hơn và cũng bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn”.

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Văn Pha với phóng viên khi trao đổi về các vấn đề liên quan đến vận động bầu cử trong các đợt tiếp xúc cử tri trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha.

Đề cập đến những giới hạn trong vấn đề vận động bầu cử của người ứng cử, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, theo qui định của pháp luật hiện hành, việc vận động bầu cử chỉ thực hiện bằng hai hình thức đó là: Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận chủ trì và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nơi mình ứng cử.

 

Uỷ ban MTTQ các địa phương sẽ có trách nhiệm tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Một trong những yêu cầu và nguyên tắc hàng đầu đối với Mặt trận là phải đảm bảo để những người ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử có cơ hội như nhau trong gặp gỡ, tiếp xúc cử tri; trong trình bày chương trình hành động của mình.

 

“Tuy nhiên, pháp luật không cấm các hình thức khác. Nhưng nếu người ứng cử sử dụng các hình thức khác thì phải tuân thủ các nguyên tắc trong vận động bầu cử và không vi phạm các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha nêu rõ.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người ứng cử tự in tờ rơi về chương trình hành động của mình có bị coi là trái phép? Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, hiện pháp luật không có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên nếu trong số những người ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử có người phát hành tờ rơi để quảng bá cho mình, có người không thì sẽ vi phạm nguyên tắc "bình đẳng" trong vận động bầu cử.

 

Liên quan đến việc người ứng cử có quyền sử dụng mạng xã hội để vận động bầu cử hay không, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha trao đổi, cũng tương tự như việc tự in tờ rơi, Luật chưa quy định hình thức vận động trên mạng. “Do đó tôi đề nghị người ứng cử phải hết sức thận trọng khi sử dụng hình thức này. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng cần kiểm tra, giám sát để việc vận động trên mạng không vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong vận động bầu cử” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha lưu ý.

 

Liên quan đến việc người ứng cử có được sáng tạo các hình thức vận động bầu cử, như người có điều kiện kinh tế thì hỗ trợ bà con nơi ứng cử bằng của cải vật chất để vận động tranh cử, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, nếu cá nhân người ứng cử mà có điều kiện về vật chất cho các hoạt động nhân đạo từ thiện thì nên để sau khi trúng cử hãy thực hiện là tốt nhất.

 

“Việc dùng tiền bạc, vật chất vì bất cứ lý do gì trong quá trình vận động bầu cử đều là không đúng với tinh thần bình đẳng, khách quan trong bầu cử. Lẽ tất nhiên, không dễ gì để phát hiện được tất cả những vi phạm, nhất là những vi phạm về sử dụng tiền bạc, vật chất trong vận động bầu cử. Tuy nhiên hãy nhớ mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều quận huyện, nhiều xã phường, nhiều thôn, tổ dân phố với hàng vạn cử tri cho nên tôi cho là cũng không ai có đủ điều kiện để “mua chuộc” tất cả các cử tri nơi ứng cử đâu” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha nêu quan điểm.

 

Trao đổi về tiêu chí phân bổ danh sách người ứng cử sau hội nghị hiệp thương vòng 3 về các đơn vị bầu cử, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, việc phân bổ này được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. “Tôi được biết có một nguyên tắc là những người ứng cử giữ các chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương sẽ được phân bổ về những địa bàn trọng yếu về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh; những người ứng cử khác được phân bố cơ bản theo tính chất công việc và nguyện vọng đăng ký. Mỗi người ứng cử khối các cơ quan, tổ chức ở trung ương được đăng ký nguyện vọng ứng cử ở 3 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đăng ký của các cá nhân và cân đối chung giữa các địa phương trong cả nước, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phân bổ”– Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha trao đổi.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết thêm, có một nguyên tắc phân bổ cũng có thể nêu đó là không trùng về lĩnh vực. Ví dụ 2 người cùng hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, hoặc 2 người cùng làm về lĩnh vực kinh tế thì không cùng về một đơn vị bầu cử, mà cố gắng đan xen một cách hợp lý giữa những người ứng cử ở các ngành nghề khác nhau, cố gắng có cơ cấu tương đối hợp lý. Một tiêu chí khác cũng được tính đến là người ứng cử là phụ nữ có thể được ưu tiên trong việc lựa chọn nơi ứng cử hoặc có thể trùng lĩnh vực nghề nghiệp; người ứng cử là chức sắc tôn giáo cũng được xem xét ưu tiên về địa bàn ứng cử.

 

Tuy nhiên, trước ý kiến của phóng viên là trong những kỳ bầu cử lần trước vẫn xảy ra tình trạng trí thức, văn nghệ sỹ có khi lại được đưa về đơn vị bầu cử có mặt bằng dân trí thấp hoặc ứng cử viên tôn giáo này lại đưa về vùng dân cư theo tôn giáo khác? Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha thừa nhận thực tế vẫn không tránh khỏi những bất hợp lý vì những lý do khác nhau. “Tuy nhiên, việc này không phải chỉ xảy ra với trí thức, văn nghệ sỹ mà có thể xảy ra với tất cả những người ứng cử khác. Những khó khăn ấy tôi được biết Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ cân nhắc để đảm bảo ở mức hợp lý nhất. Chứ tuyệt đối ai muốn chỗ nào được chỗ ấy thì không có” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định.

 

Hiện nay, các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang có các cuộc  tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

 

Mỗi ứng cử viên ĐBQH đều có địa vị và điều kiện khác nhau. Đặc biệt là những người có quyền chức hơn hoặc là người nổi tiếng thì có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy làm thế nào để các ứng cử có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp xúc với cử tri? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có một hướng dẫn chung về việc tiếp xúc cử tri để đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, công khai, bình đẳng giữa những người ứng cử trong vận động bầu cử, không phân biệt người ứng cử là lãnh đạo, người nổi tiếng với người ứng cử là thường dân hay cán bộ cơ sở.

 

“Tất nhiên những người nổi tiếng, những người ở địa vị công tác thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có lợi thế hơn vì cử tri đã quen mặt quen tên. Nhưng cũng phải thấy đó cũng chính là áp lực của họ. Những người nổi tiếng thì bao giờ cũng bị “soi” kỹ hơn và cũng bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha nói.

 

Đề cập đến vấn đề giám sát lời hứa của các cử tri tại các cuộc vận động bầu cử, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha thông tin, theo quy định, những người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động nếu mình trúng cử trước cử tri. Mặt trận vừa là cơ quan tổ chức cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử vừa giám sát chương trình hành động, lời hứa trước cử tri của những người ứng cử ĐBQH. Quá trình giám sát này sẽ còn lâu dài, liên tục sau khi người ứng cử đã trúng cử. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng, các ứng cử viên khi đã hứa gì trước dân thì nếu trúng cử phải làm, hứa mà không làm thì không nên hứa./.